09/10/2023 - 5777 lượt xem
Chiều 6/10/2023 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”. Tham dự Diễn đàn gồm có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban – Ban Kinh tế Trung ương, ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Jonathan Pincus - Kinh tế trưởng UNDP Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM, cùng các bộ, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp, đông đảo cơ quan truyền thông đến đưa tin.
Toàn cảnh Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng. Kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên, thậm chí còn ở mức tương đối cao trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như giai đoạn 2016-2019 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt tới 6,8%/năm. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 và hệ lụy của các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước và nhiều thị trường đối tác, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, và phục hồi đạt mức 8,02% vào năm 2022. Trên nền tảng ấy, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững ở Việt Nam luôn là một yêu cầu thường trực và hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045, Việt Nam nhìn nhận duy trì tăng trưởng kinh tế cao và liên tục là một điều kiện tiên quyết. Để làm được điều đó, Việt Nam đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm, hay các định hướng, giải pháp nhằm kích thích tổng cầu. Có thế thấy rằng, phương thức điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế vi mô đã hình thành và được thực hiện bài bản trong những năm qua.
Viện trưởng chia sẻ, với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 45 năm qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn giữ vững quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động cũng như mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể từ năm 2020, CIEM đã luôn tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới. Không gian kinh tế ấy có thể gắn với những nguồn lực rất “phi truyền thống” như thời gian, dữ liệu, trí tuệ, hay dựa trên những tư duy sản xuất mới trên nền tảng công nghệ số, thiết kế các hoạt động vận hành nền kinh tế theo hướng tuần hoàn, liên kết vùng. Những nghiên cứu, thảo luận chính sách đầu tiên ở Việt Nam về các mô hình như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, v.v đều bắt đầu từ chính Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Không dừng lại ở đó, CIEM đã cố gắng cụ thể hóa các khái niệm, các giải pháp chính sách để hiện thực hóa tư duy “đột phá” và lợi ích từ chính cơ quan truyền thông (như Tạp chí Kinh tế Việt Nam) để làm sâu sắc hơn các ý tưởng, mô hình kinh tế mới. Chẳng hạn, đối với chủ đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn mà phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Viện thực hiện nghiên cứu và hiện thực hóa thông qua việc báo cáo với Chính phủ ban hành Đề án về phát triển kinh tế tuần hoàn. Dưới dự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, CIEM cũng chủ động dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình kinh tế này. Bên cạnh đó, CIEM cũng đang tổng kết thực hiện kinh tế ban đêm sau Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và từ đó kiến nghị những phương hướng mới, nhằm phát triển mô hình kinh tế này trong thời gian tới.
Đến nay, CIEM đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt với các địa phương để hiện thực hóa các chỉ đạo từ Quyết định của Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm. Hiện nay, một số Bộ như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, một số địa phương như Khánh Hòa, Lào Cai, v.v đã bắt đầu triển khai mô hình kinh tế ban đêm và bước đầu thu được những kết quả tương đối khả quan. Về phía CIEM, tâm niệm rằng sẽ phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình kinh tế mới và chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng, tăng thêm điểm % cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra văn hóa tại các cơ quan, cộng đồng để “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới và chung tay đổi mới”, Viện trưởng nhấn mạnh.
Là một viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn có suy nghĩ rằng sẽ không dừng lại ở kết quả đã đạt được, mà luôn không ngừng tư duy, kiến nghị những nội dung mới, phương thức mới để làm tốt hơn nữa. CIEM rất phấn khởi vì tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã và đang trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và đã được rất nhiều các Bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Nếu tiếp tục làm sâu sắc hơn nội dung này trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ đưa thể chế trở thành một nguồn lực và có thể là chìa khóa mở đường. Bởi vì, khi chúng ta có được những thể chế tốt, khai thác được thể chế tốt và chỉnh sửa những thể chế còn bất cập thì sẽ là nguồn lực rất lớn mà chúng ta có thể sử dụng trong thời gian tới để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Viện trưởng cho rằng, để làm được những nội dung ấy, với sự nỗ lực nghiên cứu, tham mưu chính sách của bản thân Viện là không đủ và CIEM luôn trân quý mọi cơ hội hợp tác, thảo luận với các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia với các nội dung cải cách thể chế nói chung và các mô hình kinh tế mới nói riêng. Viện rất đề cao công tác truyền thông chính sách để mỗi chúng ta có thể kịp thời nắm bắt, tư duy đồng thuận, chung tay thực hiện các định hướng phát triển các mô hình kinh tế mới. Với tâm thế ấy, CIEM hy vọng Diễn đàn là cơ hội để chia sẻ cởi mở về thực tiễn, đặc biệt là định hướng chính sách để phát triển các mô hình kinh tế mới thành công ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: VnEconomy
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, Diễn đàn là sự kiện đặc biệt, nội hàm về kinh tế mới bao phủ vào nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Bao hàm những nội hàm về kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam xác định quan điểm là phải đổi mới tư duy hành động, chủ động và nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, từ đó, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả cạnh tranh của Việt Nam.
Trong các vấn đề liên quan đến nội hàm kinh tế mới, Đảng cũng đã có các chủ trương, định hướng lớn về kinh tế mới. Cụ thể, về các chủ trương chính sách chung trong chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, trong đó, xác định kinh tế số là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam, bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, Chính phủ điện tử. Liên quan đến kinh tế tuần hoàn là Nghị quyết 24-NQ/TW và Kết luận 56 của Bộ Chính trị khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cũng đã xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nội dung liên quan đến kinh tế mới cũng được đề cập trong các chủ trương khác như Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 v.v.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều định hướng, chủ trương trong các ngành, lĩnh vực kinh tế nhưng vấn đề cần nhìn nhận tổng thể để gắn kết, đồng bộ, cần góp ý của các chuyên gia nhà khoa học, doanh nghiệp để có lộ trình thực hiện phù hợp và đi vào thực tế cuộc sống.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VnEconomy
Đồng phát biểu chào mừng, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua nhiều thời kỳ. Phác họa lại bức tranh kinh tế thế giới hiện nay, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ thế giới đang đối diện với những khó khăn, thách thức đa tầng, từ vấn đề lạm phát, gia tăng nợ công, xung đột vũ trang Nga - Ukraine đến cạnh tranh địa chính trị và những bất ổn từ thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, v.v. Tất cả đưa đến nguy cơ suy thoái kinh tế, thậm chí khủng hoảng. Những biến động lớn của thế giới cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang thể hiện vai trò tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trên thế giới. Theo ông Trung, với lợi ích và tiềm năng rất lớn từ các mô hình kinh tế mới và nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 phù hợp với bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.
Mở đầu phiên tham luận, TS. Jonathan Pincus, Kinh tế trưởng UNDP Việt Nam cho rằng một số nguyên tắc chủ chốt về mô hình kinh tế mới là các mô hình kinh tế mới cần phản ánh các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng, hợp tác đa phương và bền vững môi trường. Để đạt được lượng khí thải carbon ròng bằng 0 sẽ cần phải tái cân bằng từ tiêu dùng sang đầu tư. Công nghệ, nghiên cứu và phát triển và giáo dục, gồm cả giáo dục bậc cao - đóng vai trò trung tâm trong tái cấu trúc kinh tế. Chia sẻ gánh nặng là một thách thức cơ bản, cả trong và giữa các quốc gia.
Trong phần tiếp theo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM đã trình bày tham luận “Các mô hình kinh tế mới: Đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Theo đó, ông đã đề cập đến lợi ích, thách thức của các mô hình như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh/tuần hoàn và các thực tiễn đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM
Nhìn chung, nền kinh tế chia sẻ năng động luôn cần được duy trì đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế số sôi nổi cần phát huy hết các tiềm năng và vượt qua các rào cản. Nền kinh tế xanh/tuần hoàn cần nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau.
Phiên thảo luận về các mô hình kinh tế mới diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp lớn.
Theo bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại, Grap Việt Nam, một trong những đóng góp của Grap vào nền kinh tế chia sẻ là tối ưu hóa các nguồn lực xã hội qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu lượng xe và phát thải ra môi trường, gián tiếp đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai, tạo ra thị trường với sản phẩm và dịch vụ cung ứng mang tính chất rõ ràng và minh bạch.
Chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập MoMo về những hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp trong nền kinh tế số và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, MoMo không chỉ là ứng dụng thanh toán mà còn là một siêu ứng dụng. Đối với DN lớn, MoMo cho phép DN nhúng ứng dụng của DN lên MoMo để tạo thuận lợi cho giao dịch mua bán. Đối với DN nhỏ, MoMo đưa ra giải pháp thanh toán qua QR code và giải pháp quản lý dòng tiền giao dịch. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, MoMo cũng cung cấp giải pháp điện tử bằng vourcher, quảng cáo, v.v.
Kế tiếp, Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty Shinec, Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền chia sẻ mô hình KCN theo hướng tuần hoàn và bền vững. Theo ông Điệp, KCN Nam Cầu Kiền đã xây dựng được 3 hệ kinh tế tuần hoàn (ngành thép, ngành nhựa, ngành điện tử) và trong thời gian không xa mong muốn giải tiếp bài toán tiết kiệm năng lượng và hướng đến phát thải ròng bằng 0 trong thời gian ngắn nhất. Về hướng sinh thái, KCN thực hiện theo Nghị quyết 82, hiện tại là nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Ông Điệp mong muốn rằng, trong thời gian tới sẽ xây dựng nền KTTH theo cấp độ vùng, khu vực và cả nước.
Tổng kết Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam đánh giá Diễn đàn đã mang đến rất nhiều thông tin giá trị và có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận mà thực tiễn rất cao. Những thông tin quý giá này sẽ giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách có thêm thông tin nhằm phục vụ cho quá trình hoàn thiện chính sách của Việt Nam về các mô hình kinh tế mới, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. TS. Chử Văn Lâm cảm ơn sự tham gia, đóng góp của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lãnh đạo các cục, vụ, viện và các doanh nghiệp đã quan tâm tham dự.
Link trực tuyến: https://vneconomy.vn/truc-tiep-dien-dan-kinh-te-moi-viet-nam-va-le-cong-bo-thuong-hieu-manh-viet-nam-2022-2023.htm
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)