22/08/2021 - 8251 lượt xem
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngày 19/8/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo trực tuyến cải cách môi trường kinh doanh: một số vấn đề về đăng ký tài sản và thanh toán không dùng tiền mặt.
Hội thảo do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, với sự tham dự của một số chuyên gia kinh tế, đại biểu của một số Bộ, ngành... và đơn vị báo, truyền hình.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương cho thấy môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế, trong đó đăng ký tài sản và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là những nội dung quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh từng bước phục hồi và vượt qua đại dịch Covid-19. Hội thảo nhằm thảo luận về một số nội dung liên quan tới chất lượng môi trường kinh doanh ở Việt Nam: đăng ký sở hữu, chuyển nhượng tài sản và thanh toán không dùng tiền mặt; những vấn đề vướng mắc, bất cập và kiến nghị giải pháp.
Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo “Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh: Một số vấn đề về quyền tài sản và thanh toán không dùng tiền mặt” cho thấy nhìn chung, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện tích cực trên nhiều khía cạnh như ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ phát triển kinh doanh, đổi mới sáng tạo, quy mô thị trường v.v. Tuy nhiên, nhóm chỉ số về quyền tài sản và chất lượng hành chính đất đai nhiều năm vẫn ở hạng thấp. Về TTKDTM, lộ trình xây dựng hành lang pháp lý đối với hoạt động TTKDTM của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện để đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng đã triển khai khá tích cực phương thức thanh toán này, đến cuối tháng 4/2021, đã có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động v.v. Tuy nhiên, việc thúc đẩy TTKDTM vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nổi lên liên quan đến việc hành lang pháp lý chưa thực sự được hoàn thiện, thói quen của người tiêu dùng vẫn còn e ngại chưa an toàn v.v. Do đó cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cá nhân trong TTKDTM, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích v.v.
Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của một số chuyên gia về các vấn đề kiên quan và kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế nhận định, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ làm tăng vị trí của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng toàn cầu mà quan trọng hơn là đã có rất nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, được bổ sung, sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ý kiến của các hiệp hội như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) về mong muốn tiếp tục thúc đẩy cải cách trong thời gian tới, tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để cải thiện môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh "cải thiện môi trường kinh doanh với doanh nghiệp lúc này cũng cần như vắc-xin".
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đối với các nghiên cứu, tham vấn chính sách nhằm thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Trong thời gian tới, cùng với quyết tâm chính trị cao của Chính phủ nhằm cải cách môi trường kinh doanh, Viện sẽ tiếp tục tiếp nhận tất cả các ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về các vấn đề liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu