10/11/2021 - 8367 lượt xem
Nhận lời mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã đồng chủ trì Hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết” sáng ngày 05/11/2021. Đại diện của VCCI là ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch. Hội thảo được tổ chức trong khung khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch COVID-19.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đồng chủ trì Hội thảo
“Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Những điều doanh nghiệp cần biết" cùng VCCI
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh đã nhấn mạnh những khó khăn và hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế từ đầu năm 2020 đến nay. Xử lý tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế gặp phải một thách thức lớn: sức mua của nền kinh tế đang bị suy yếu. Do vậy, việc tìm kiếm, cải thiện tiếp cận các thị trường xuất khẩu càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. TS. Trần Thị Hồng Minh cũng nhìn nhận RCEP trong bối cảnh tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như sự tham gia của CIEM trong tiến trình hội nhập ASEAN+6 và các nghiên cứu về RCEP. TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định việc thực hiện hiệu quả RCEP đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nắm rõ được những nội dung của Hiệp định, trên cơ sở đó tính toán thành cơ hội-thách thức cụ thể cho mình.
Tại Hội thảo, các diễn giả cũng đã trao đổi về quá trình hình thành và đàm phán RCEP, các nội dung chính của Hiệp định, và dự báo một số tác động đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Các nội dung trao đổi tại Hội thảo khá toàn diện, chi tiết, và thực tế đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Sáng ngày 10/11/2021, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng đồng chủ trì với VCCI tại Hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP: Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”. Chủ trì sự kiện về phía VCCI có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch. Tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo còn có ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong khung khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch COVID-19.
TS. Trần Thị Hồng Minh đồng chủ trì Hội thảo “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP:
Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” cùng VCCI
Trong phần phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh đã đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những thập niên qua gắn với việc thường xuyên, liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, đến thời điểm này, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn rất quan trọng, song không còn là động lực duy nhất cho cải cách thể chế kinh tế trong nước. Việt Nam đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế. Riêng với CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước. Theo đó, hiệu quả sẽ phụ thuộc đáng kể vào cách tiếp cận đối với xây dựng pháp luật thực thi CPTPP. Dù ghi nhận khối lượng văn bản cần điều chỉnh, ban hành mới là rất đồ sộ, lại phải hoàn tất trong một thời gian ngắn, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc ấy với chất lượng cao nhất sẽ là tiền đề để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào sân chơi có tính “hình mẫu” như CPTPP.
Ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày đánh giá về hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP, từ việc nhận diện các cam kết cần được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam, đến việc soạn thảo và sự chuẩn bị của Việt Nam để thực thi các cam kết CPTPP theo lộ trình, và các thách thức thể chế đối với thực thi CPTPP trong bối cảnh mới.
Tại các sự kiện trên, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng bày tỏ lời cảm ơn đến Đại sứ quán Australia và VCCI đã luôn đồng hành cùng Chương trình Aus4Reform và CIEM trong thời gian qua.
Nguồn: Ban Tổng hợp - CIEM