Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với Dự thảo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”
Tin tức

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với Dự thảo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”

25/08/2023 - 5647 lượt xem

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025” báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, ngày 24/8/2023, CIEM đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia đối với dự thảo Báo cáo. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Tọa đàm.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết: Ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó nêu rõ, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. 

Nghị quyết xác định cơ cấu lại nền kinh tế với đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh kinh tế đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Phát huy cao độ yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc gắn với khai thác tối đa các cơ hội, thuận lợi và phù hợp xu thế phát triển trên thế giới, không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

CIEM là đơn vị được giao chủ trì theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; nhằm đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15, CIEM đã xây dựng Dự thảo Báo cáo và tổ chức cuộc họp này nhắm lấy ý kiến các chuyên gia để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Báo cáo trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội.

TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, CIEM

Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực trình bày dự thảo Báo cáo.  Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 31 của Quốc hội) bao gồm các mục tiêu: Hình thành cơ cấu hợp lý; Phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, cao; Tạo bứt phá về năng lực canh trạnh (NLCT) một số ngành chủ lực; Chuyển đổi rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu (28 chỉ tiêu). Trong đó, đề ra 5 nhiệm vụ chính, bao gồm: (1) Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, ngân sách nhà nước (NSNN), tổ chức tín dụng (TCTD), đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); (2) Phát triển thị trường: tài chính, đất đai, khoa học công nghệ, lao động; (3) Phát triển doanh nghiệp (DN): DNNN, tư nhân trong nước, FDI; (4) Liên kết vùng nông thôn – đô thị, phát triển đô thị; (5) Cơ cấu lại ngành: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Dự thảo Báo cáo đã đưa ra một số kết quả đạt được như sau: Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, đẩy mạnh theo hướng số hoá, xanh hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được đà tăng trưởng; Không gian kinh tế được mở rộng, tạo các động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển lực lượng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; Các loại hình thị trường tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững hơn, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. 

Theo nhóm nghiên cứu, có được các kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, sự quyết liệt trong triển khai thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 31/2021/QH15. Bên cạnh việc ban hành các chương trình hành động có xác định mục tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, thành lập các tổ công tác, giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề đặt ra đồng thời giao bổ sung nhiều nhiệm vụ, phù hợp với bối cảnh mới phát sinh. Một số địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 31 vẫn còn một số hạn chế như: Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể; Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm; Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; Cơ cấu lại DNNN và ĐVSNCL còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng; Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; Các loại thị trường hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề ra một số giải pháp tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Một là, tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; Hai là, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm; Ba là, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước; Bốn là, tập trung phát huy vai trò đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất; Năm là, thúc đẩy chuyển dịch các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững, phát triển các ngành mới, phát triển mạnh dịch vụ.

TS. Nguyễn Bá Ân, Chuyên gia cao cấp, cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Trong phần thảo luận và góp ý cho Dự thảo Báo cáo, TS. Nguyễn Bá Ân, Chuyên gia cao cấp, cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, cung cấp đầy đủ số liệu của nhóm nghiên cứu và đưa ra những bình luận và góp ý về kết cấu, các nội dung cần tập trung nhấn mạnh và định hướng giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết. Cuộc họp cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trong Viện nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo.

Toàn cảnh Toạ đàm

Phát biểu kết luận Toạ đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo, cán bộ CIEM. Viện sẽ cân nhắc, tiếp thu các ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo trong thời gian tới. 

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội


Tin tức khác