Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”
Tin tức

Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”

10/07/2023 - 6493 lượt xem

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, sáng ngày 10 tháng 7 năm 2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”. Hội thảo do TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu và các cơ quan báo chí, truyền thông tới đưa tin.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho thấy, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như xung đột Nga-Ucraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu phức tạp hơn,…Một số chuyển biến có thể nhận thấy như: Liên minh châu Âu đã bước đầu bảo đảm được an ninh năng lượng; giá dầu mỏ và khí tự nhiên giảm đáng kể; tình trạng chuỗi cung ứng đã cải thiện nhanh chóng, chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức kỷ lục, thậm chí thấp hơn mức trước đại dịch. Càng trong bối cảnh khó khăn, các nước càng nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Đó sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia hiệu quả vào xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chính phủ đã phát huy tác động tích cực hướng tới giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài. Nổi bật nhất là việc Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội. Không gian kinh tế cũng có điều kiện mở rộng, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng đã và đang cân nhắc tích cực hơn cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực; cơ chế đặc thù cho một số vùng, địa phương (như trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh). Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, ở trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế luôn là một mục tiêu quan trọng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song chúng ta vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.  Với vai trò là cơ quan nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn giữ vững quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, cũng như mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để làm được điều đó, CIEM cũng phải tự đổi mới tư duy và cách làm.

Đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” Báo cáo đã cập nhật kết quả dự báo cho năm 2023 theo 3 kịch bản:

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM

Kịch bản 1: giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3: giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Báo cáo nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: (i) khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; (ii) các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình; (iii) dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; (iv) tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; và (v) năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Báo cáo cập nhật và bao quát được tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong 6 tháng đầu năm, dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm cũng tương thích với nhận định của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế bởi tình trạng suy giảm sẽ còn tiếp tục nếu không có sự điều chỉnh từ thể chế, cải cách. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến yêu cầu cải cách thể chế, quản lý vĩ mô, điều hành chính sách tài chính – tiền tệ và đưa ra một số lưu ý cụ thể về việc xem xét sự suy giảm mạnh của thương mại (xuất, nhập khẩu), tiêu dùng, bán lẻ, logistics, du lịch; đầu tư tư nhân; các vấn đề liên quan đến bất động sản; cơ chế giám sát tài chính ngân hàng; giải ngân đầu tư công…

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đánh giá cao chất lượng Báo cáo và chia sẻ quan điểm về một số khởi sắc trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm như: số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, đầu tư của khu vực tư nhân … tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ảnh hưởng tới tổng cầu, không nên kỳ vọng chi tiêu Chính phủ cao như năm 2023 vì dễ gây ra rủi ro trong nợ công. Cần khuyến khích tiêu dùng nội địa, tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, cần gia tăng thúc đẩy kinh doanh hộ gia đình;  đất nước đã đạt 100 triệu dân và thị trường nội địa cũng là thị trường tiềm năng, cần được khai thác trong thời gian tới. Đồng thời cần thúc đẩy giải quyết khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế bày tỏ, cần nhấn mạnh thêm vai trò của nông nghiệp - là lĩnh vực góp phần ổn định chỉ số giá cả và làm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó có thể cân nhắc thêm một số đánh giá liên quan tới chuyển đổi số, cơ chế đặc thù cho địa phương, số lượng công chức, viên chức nhà nước thôi việc, xuất khẩu lao động, …

TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam 

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, kịch bản dự báo cần thận trọng vì tình hình đang thay đổi rất nhanh chóng (xung đột Nga – Ukraina đang là một biến số lớn ảnh hưởng tới toàn cầu). Theo ông Tuấn, cần lưu ý thêm một số vấn đề như trụ cột bán lẻ, tiêu dùng nội địa còn tiềm năng khai thác, kinh tế số tăng trưởng nhanh, việc xin cơ chế đặc thù của nhiều địa phương cần xem xét…

Toàn cảnh Hội thảo

Có thể thấy rằng, Báo cáo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, thảo luận đến từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hầu hết các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo đều nhận định đây là báo cáo chất lượng và là tài liệu tham khảo ý nghĩa liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hội thảo đã trao đổi, đánh giá các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm, và các kiến nghị định hướng, giải pháp chính sách liên quan. Các đại biểu cũng thống nhất với yêu cầu phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới

Phát biểu bế mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo. CIEM sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ để có những tham mưu chính sách hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 

 

           

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi