Diễn đàn “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”
Đoàn thể

Diễn đàn “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”

17/10/2024 - 2672 lượt xem

Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2024, với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”. Diễn đàn có sự tham gia của TS. Lê Quang Huy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM; Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đại diện các Bộ, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các Hiệp hội doanh nghiệp và hơn 300 lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: Việt Nam đang bước đến những thời điểm quan trọng trong việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt được những chuyển biến đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, cả so với cùng kỳ các năm trước cũng như so với các nền kinh tế ở châu Á. Lạm phát và tỷ giá đều tương đối ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều có những sự “bứt phá” trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến khu vực Đông Nam Á.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực song vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về phát triển dài hạn. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực, song còn phụ thuộc đáng kể vào các thị trường nước ngoài và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến giữa tháng 7/2024, toàn quốc có gần 940 nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh, còn khoảng cách so với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Các doanh nghiệp hầu hết đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; số doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực tham gia, dẫn dắt các công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng còn tương đối hạn chế. Trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững và dữ liệu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với CMCN 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Không ít quốc gia, cơ quan, tổ chức đã từng rất dè dặt khi tiếp cận chính sách đối với những lĩnh vực này, do lo ngại về các vấn đề địa chính trị, chi phí chuyển đổi cho cộng đồng doanh nghiệp... Tuy nhiên, giai đoạn kể từ năm 2021 đã chứng kiến nhiều nỗ lực “số hóa”, “xanh hóa” cuộc sống và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và Việt Nam đã và đang nghe nhiều đến những chuyển biến “chưa từng có tiền lệ” của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI).

Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa. Nhờ đó, ngay từ năm 2021, Việt Nam đã được Trung tâm châu Âu về Năng lực cạnh tranh số (ECDC) xếp hạng cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về thay đổi tư duy hướng tới chuyển đổi số. Khung chính sách, pháp lý cho tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cũng đã được hoàn thiện, từ Chiến lược tăng trưởng xanh, Luật Bảo vệ môi trường cho đến Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Không chỉ dừng ở câu chuyện trong nước, Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh từ năm 2023.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.

TS. Trần Thị Hồng Minh bày tỏ, CIEM có rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi. Vì vậy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.

TS. Minh mong muốn Diễn đàn sẽ thảo luận, gợi mở được những thực tiễn, kinh nghiệm, bài học quan trọng và kiến nghị cả ở góc độ chính sách cũng như ở góc độ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Qua đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong một môi trường thể chế thuận lợi để các doanh nhân “muốn lớn, dám lớn, và có thể chơi lớn”.

Thay mặt CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn VnEconomy và TS. Chử Văn Lâm đã chủ trì tổ chức Diễn đàn và mời CIEM tham gia, phối hợp về nội dung và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn, TS. Lê Quang Huy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, tạo sự đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo xu hướng mới, mô hình kinh tế và kinh doanh mới và tạo ra cạnh tranh mới, thách thức mới với mọi quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sớm và rất rõ về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, về thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng và đang ban hành nhiều chính sách chỉ đạo, định hướng quá trình phát triển của đất nước. Đại hội XIII cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là những trụ cột để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế

Theo TS. Lê Quang Huy, trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải dối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, net zero trong phát triển năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) trong xuất khẩu sản phẩm vào EU, Cơ chế chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), luật thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo dòng chảy thông tin, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới…Do đó, mong muốn các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, từ thực tiễn kinh doanh với trí tuệ và kinh nghiệm, tập trung thảo luận, đánh giá các khó khăn thách thức; đề xuất các giải pháp; đặc biệt chú ý 3 tiêu chuẩn là môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất, kiến nghị cụ thể với Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương những vấn đề có liên quan.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM

Trình bày tại Diễn đàn về cơ hội, thách thức và động lực khởi tạo một nền kinh tế mới ở Việt Nam. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM chia sẻ, theo khảo sát và đánh giá về nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích kinh tế của kinh tế tuần hoàn (KTTH) thì doanh nghiệp (DN) thực tế ít thay đổi và cập nhật công nghệ, quy trình; sản phẩm chưa tinh xảo, giá trị gia tăng sản phẩm thấp, tính cạnh tranh còn thấp; DN áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 về quản lý môi trường còn hạn chế - chưa thực sự quan tâm đúng mức tới vấn đề môi trường; Chưa thực sự quan tâm mở rộng thị trường; Rất ít DNN&V thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh; Hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là tập huấn; DN không mặn mà với các chương trình/chính sách hỗ trợ do thủ tục rườm rà. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2023 về chuyển đổi kép giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi chỉ sau Malaysia (51%), Thái Lan (20%), liên quan chủ yếu đến năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Xét về công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nước đang phát triển, sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). Về tiềm năng xanh và số, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số là 20% GDP năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Theo E-Conomy SEA năm 2023, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN, lớn thứ hai khu vực sau Indonesia. Ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, Việt Nam cần nhận diện thách thức khi mà không chỉ xác định kinh tế số hay kinh tế xanh đơn lẻ, mà chúng ta cần kết hợp chuyển đổi kép, đây là hai yếu tố phải gắn chặt với nhau dù vẫn còn nhiều những khó khăn từ các yếu tố về công nghệ, năng lực DN, nguồn nhân lực, chính sách, tiếp cận nguồn lực, khung pháp lý.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên chính, bao gồm: Phiên tham luận và phiên thảo luận.

Phiên tham luận với chủ đề: “Khởi tạo nền kinh tế mới và vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” sẽ nhận diện và đánh giá các yếu tố mới, có tính thời đại từ cuộc cách mạng công nghiệp số và công nghiệp xanh, có khả năng tạo ra bước chuyển có tính cách mạng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mới, một kỷ nguyên phát triển mới sẽ được kiến tạo từ chính khả năng tạo ra sự đột phá trong ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế. Do đó, thông qua thực tiễn hoạt đông chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, sẽ khái quát các vấn đề chính yếu và đặt ra các vấn đề mới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của bối cảnh. Nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực thi, tốc độ thực thi của các doanh nghiệp, các địa phương, các nền kinh tế.

Phiên thảo luận

Trên cơ sở thông tin từ phiên tham luận, Phiên thảo luận sẽ phân tích, đánh giá: Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các khu vực doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam trong mối tương quan với xu thế triển khai chuyển đổi số - chuyển đổi xanh trong khu vực ASEAN và trên thế giới; Xu thế tất yếu số - xanh mở ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới như thế nào? và Đánh giá các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách có tính bứt phá hơn nhằm tạo bước chuyển có tính cách mạng cho phát triển kinh tế Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi