Tọa đàm “Trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp về môi trường kinh doanh và những vướng mắc, bất cập”
Thư viện ảnh, video

Tọa đàm “Trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp về môi trường kinh doanh và những vướng mắc, bất cập”

19/06/2024 - 289 lượt xem

Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được giao nhiệm vụ chủ trì theo dõi, tổng hợp và đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm kịp thời nhận diện vấn đề, cập nhật thông tin, phản ánh thực tiễn thực thi các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, ngày 18/06/2024, CIEM đã tổ chức buổi Tọa đàm “Trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp về môi trường kinh doanh và những vướng mắc, bất cập” nhằm trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì buổi tọa đàm. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện hiệp hội doanh nghiệp/ hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp thành viên.

Toàn cảnh Toạ đàm

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. CIEM được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế và thích ứng với xu hướng phát triển cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình và kết quả thực thi cải cách môi trường kinh doanh của các Bộ, ngành, địa phương.

Năm 2024, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 05/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Chính phủ xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần cải cách.

Nội dung buổi thảo luận tập trung vào các nội dung về môi trường kinh doanh như: Nắm bắt thông tin về các giải pháp Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thời gian qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2024; Những vướng mắc, bất cập ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, CIEM rất mong nhận được những ý kiến phát biểu, chia sẻ, đóng góp thẳng thắn, quý báu từ các Quý vị đại biểu.

Tại buổi Tọa đàm, đa số các ý kiến đều cho rằng môi trường kinh doanh mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn không ít bất cập từ quy định đến thực thi khiến doanh nghiệp (DN) không những gặp khó khăn trong hoạt động mà còn làm giảm sức hút đầu tư. Những vấn đề khó khăn, bất cập chủ yếu hiện nay doanh nghiệp gặp phải là trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, về tiếp cận tín dụng và mong đợi nhất của doanh nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi, sớm được tháo gỡ những vướng mắc về chính sách thuế, hoàn thuế GTGT, giải quyết hoàn thuế GTGT kịp thời cho doanh nghiệp. Cũng theo ý kiến các doanh nghiệp, nếu không có những cải cách hợp lý, kịp thời và toàn diện, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại, thụt lùi và mất nhiều cơ hội đầu tư cũng như thu hút đầu tư…

Về phía CIEM, việc lắng nghe, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng giúp nắm bắt những khó khăn, mong muốn của doanh nghiệp để CIEM hoàn thiện báo cáo trình Bộ Kế hoạch và đầu tư, trình Chính phủ, từ đó giúp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo động lực cho danh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội


Tin tức khác