26/04/2024 - 7014 lượt xem
Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, các đại diện đến từ các cơ quan ban ngành, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
TS. Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: là cơ quan nghiên cứu và tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua, CIEM đã không ngừng nghiên cứu, kiến nghị các nội dung cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và năng suất lao động trong đó có việc nghiên cứu và tham mưu về phát triển các mô hình kinh tế mới. Những ý tưởng, đề xuất chính sách quan trọng đầu tiên về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn và hôm nay là kinh tế sáng tạo đều được khởi xướng, hoàn thiện và trình các cấp như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ và Quốc hội để thể chế hóa thành các chính sách kinh tế cụ thể. Đối với CIEM, phát triển các mô hình kinh tế mới không chỉ dựa vào công nghệ mới, những tiến bộ khoa học mà phần lớn phải xuất phát từ sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể khi tiếp cận các ngành nghề, thị trường, khách hàng truyền thống. Đây là không gian “vô tận” để khai thác các ý tưởng cho mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: khi đặt trọng tâm vào khai thác ý tưởng, sức sáng tạo của con người và bảo vệ tài sản trí tuệ từ quá trình sáng tạo, kinh tế sáng tạo đã cho thấy một tiềm năng vô cùng lớn, thậm chí có thể nói là “không giới hạn” và Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Báo cáo nghiên cứu của CIEM đã rà soát khá toàn diện, chi tiết về các hoạt động kinh tế sáng tạo, kể cả theo mô hình truyền thống và các mô hình hiện đại hơn.
Đây là Báo cáo đầu tiên của Việt Nam và CIEM mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tiến tới trao đổi, hợp tác, đồng hành cùng CIEM trong quá trình thúc đẩy kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là xây dựng một Chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM trình bày tóm tắt báo cáo. Báo cáo tập trung vào các nội dung chính như: Xem xét khái niệm, nội hàm của kinh tế sáng tạo (KTST); Một số xu hướng phát triển KTST; Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển KTST; Thực trạng KTST tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách.
Ông Dương cho biết, những năm gần đây KTST đã có những phát triển vượt bậc, thể hiện ở khả năng tạo việc làm, kích thích đổi mới và đóng góp cho phúc lợi xã hội. Theo thống kê của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011-2020 và tăng tới 16,56% năm 2021. Tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đã tăng trung bình 8,14%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đã bước đầu có nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo. Thống kê của UNCTAD cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu không ít hàng hóa sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế sáng tạo, cụ thể trên các khía cạnh như tiếp cận phát triển kinh tế sáng tạo dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển kinh tế sáng tạo, thúc đẩy các điển hình tốt, hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường kinh tế sáng tạo, thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo phục vụ kinh tế sáng tạo, và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.
Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Các nhóm chính sách hiện có đã bao gồm cả các chính sách chung và chính sách cụ thể đối với một số ngành. Phạm vi chính sách hiện có là tương đối rộng, từ chính sách ưu đãi thuế, khoa học - công nghệ cho đến chính sách cạnh tranh, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế sáng tạo. Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ trong nền kinh tế sáng tạo.
Báo cáo phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Các điểm mạnh bao gồm: di sản văn hóa phong phú và đa dạng; dân số trẻ, năng động và thành thạo công nghệ; những thay đổi chính sách tích cực đối với các mô hình kinh tế mới. Các điểm yếu bao gồm: hạn chế cố hữu về nguồn vốn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo truyền thống; thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến kinh tế sáng tạo ở không ít nhóm chủ thể sáng tạo (đặc biệt là người trung niên và người cao tuổi, phụ nữ, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, v.v.); những bất cập về kết cấu hạ tầng “cứng” và “mềm” cho phát triển kinh tế sáng tạo. Việt Nam có những cơ hội quan trọng cho phát triển kinh tế sáng tạo, nhờ chuyển đổi số, sự phục hồi và vươn lên mạnh mẽ của ngành du lịch, thị trường trong nước có quy mô tương đối lớn, và hợp tác quốc tế. Việt Nam cũng phải xử lý những thách thức liên quan đến cạnh tranh từ thị trường quốc tế, khả năng thích ứng trước tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, ...
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể: Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Thứ hai, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số. Thứ ba, tăng cường phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng. Thứ tư, thúc đẩy hợp tác và kết nối. Thứ năm, tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam. Thứ sáu, tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng và triển khai hiệu quả một Chiến lược quốc gia về kinh tế sáng tạo.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nghe bình luận của các chuyên gia: Bà Phạm Chi Lan; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng CIEM và TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam. Nhìn chung các chuyên gia đều đánh giá cao về chủ đề kinh tế sáng tạo, nội dung báo cáo cũng như góp ý kiến để nhóm nghiên cứu cân nhắc hoàn thiện báo cáo hơn nữa.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cũng đã trao đổi cụ thể về thực trạng hoạt động kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cơ hội và thách thức, yêu cầu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cơ sở dữ liệu và hợp tác với các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bế mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh gửi lời cảm ơn Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức ((GIZ)) đã hỗ trợ Viện thực hiện nghiên cứu, cảm ơn các chuyên gia, học giả, các cơ quan, tổ chức đã tham gia các hoạt động tham vấn, chia sẻ nhiều ý kiến và thông tin quý báu để CIEM tiếp tục hoàn thiện Báo cáo./.
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp ...
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện qua các kỳ đại hội (VIII, X, XI, XII và XIII), với định hướng được xác định rõ ...
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)