Viện trưởng CIEM tham dự Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới
Hoạt động nghiên cứu

Viện trưởng CIEM tham dự Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới

15/04/2024 - 1513 lượt xem

Chiều ngày 12/4/2024 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới”. Tham dự Diễn đàn gồm có TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI; TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế; cùng các bộ, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp, đông đảo cơ quan truyền thông đến đưa tin.

 

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Tuấn Ngọc

Tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài phát biểu tham luận tại phiên thứ nhất của Diễn đàn về chủ đề “Cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp”, bài tham luận phân tích các nội dung sau:

Về bối cảnh phát triển

Bối cảnh quốc tế kể từ đầu năm 2024 cho đến nay tiếp tục có sự đan xen của khó khăn và thuận lợi, trong đó các khó khăn chiếm phần lớn. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như cạnh tranh địa chính trị phức tạp, khó lường, xu hướng gia tăng các quy định về phát triển bền vững ảnh hưởng đến thương mại ở một số thị trường, biến đổi khí hậu phức tạp hơn,... Khủng hoảng Biển Đỏ, xung đột ở dải Gaza, Nga-Ucraina,... đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng, hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó là những  khó khăn, bất định mới, trong đó có những cân nhắc thận trọng liên quan đến điều hành lãi suất ở Mỹ,... Dù vậy, chúng ta cũng đã thấy một số chuyển biến trong thời gian gần đây. Ngay từ đầu năm, một số tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2024. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 01/2024) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu cả năm lên mức 3,1%, từ mức 2,9% trong báo tại thời điểm tháng 10/2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, tháng 02/2024) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên mức 2,9%, cao hơn mức 2,7% công bố vào tháng 11/2023. Fitch Ratings (tháng 3/2024) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên 2,4%, tăng 0,3 điểm  phần trăm so với dự báo trước đó.

Ở trong nước, cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận ấy đã phát huy hiệu quả trong bối vừa qua. Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I/2024. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 5,66% trong quý (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn so với mức tăng trong cùng kỳ các năm 2020-2023. Đây là tín hiệu tích cực bước đầu và nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024. Cần lưu ý, trong các quý I của giai đoạn 2020-2023, thì quý I năm 2022 đạt mức tăng trưởng gần với quý I năm 2024 (5,12%), và năm 2022 cũng là năm có kết quả phục hồi tăng trưởng ấn tượng nhất (8,02%)…

Một số vấn đề cần lưu tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng cần lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý. Thứ nhất, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến giá hàng hóa. Nhiều nước gia tăng quy định nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị giảm phát thải các-bon, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập của hàng xuất khẩu ở Việt Nam nếu không có những điều chỉnh kịp thời.

Thứ hai, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Mức tăng trưởng tín dụng này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 (15%). Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi.

Thứ ba, chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng. Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vận tải đường hàng không trong quý I năm 2024 đã tăng tới 29,3% so với quý IV năm 2023, và tăng 85,44% so với quý I năm 2023; chỉ số giá vận tải đường sắt trong quý I năm 2024 tăng tới 28,27% so với quý IV năm 2023.

Thứ tư, việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp có thể làm tăng chi phí lao động cho doanh nghiệp. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng.

Định hướng cải cách thể chế vì sự phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

Việt Nam đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, và bảo đảm an sinh xã hội. Đó chính là những nền tảng quan trọng để quyết liệt hơn với những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp tài khóa và tiền tệ, chúng ta cần phải quyết liệt đổi mới tư duy.

Điểm tích cực là chúng ta đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Trong 3 năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết đô thị - nông thôn,... Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không còn được nhìn nhận một cách rời rạc, mà có sự gắn kết tương hỗ với nhau, và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương, ngay trong quá phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách. Liên quan đến nội dung này, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ làm Trưởng nhóm xây dựng Chương trình cải cách cơ cấu mới của APEC cho giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025….

 

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo đó, Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động - sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ nhất, đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ. Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng hợp tác, cùng thắng”. Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế-xã hội, đô thị lớn. Sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Rà soát, nâng cao năng lực tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do. Tăng cường đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xác định những vấn đề, ưu tiên cần xử lý trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu mới về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Sớm thử nghiệm xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến để giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi hơn khi xử lý tranh chấp với đối tác nước ngoài.

Thứ ba, hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình này, tạo cơ hội và động lực cho doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi kỹ năng cho người lao động chính là một yêu cầu quan trọng.

Những định hướng cải cách thể chế trên đây sẽ hiệu quả và liền mạch nhất trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, một yêu cầu bổ trợ vẫn là tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước với các kịch bản đủ chi tiết, qua đó tiếp tục điều hành theo hướng củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo nền tảng quan trọng cho cải cách, hội nhập và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 


Tin tức khác