27/06/2023 - 2004 lượt xem
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị được giao chủ trì theo dõi việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh có bài trả lời phỏng vấn VTV1 về vấn đề này như sau:
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM trả lời phỏng vấn
PV VTV1: Bà vui lòng cho biết những kết quả chính về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong thời gian vừa qua?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ vậy đã đạt được một số kết quả tích cực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số rào cản, khó khăn vướng mắc được tháo gỡ; những vấn đề khó khăn, thách thức với hoạt động sản xuất kinh doanh, với nền kinh tế đã được Chính phủ nhận diện trúng và có những hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ.
Trong các tháng đầu năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số văn bản, qua đó kỳ vọng từng bước tháo bỏ rào cản, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp. Đơn cử như:
- Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
- Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
- Trước diễn biến kinh tế thế giới, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước ba tháng đầu năm 2023 và các khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; ngày 23/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023, cũng trong ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN. Cả hai Thông tư có hiệu lực từngày 24/4/2023.
- Đặc biệt, ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết nhằm mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp để thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
- Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động rà soát, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền. Đồng thời, Tổ công tác tổng hợp các kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.
PV VTV1: Vậy thưa Bà, những vấn đề chính cần tập trung xử lý trong thời gian tới là gì?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Có thể thấy những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã từng bước củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí có xu hướng chậm lại. Một số vấn đề chính bao gồm:
- Môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Thực trạng nhiều văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không đảm bảo tính thực thi, khác biệt (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên,…) đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Đây là tình trạng đáng lo ngại hiện nay bởi các địa phương và doanh nghiệp không biết thực hiện như thế nào cho đúng. Bất cập này không chỉ đang đè nặng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước.
- Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm; nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Theo đó, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự được bảo đảm.
Đi cùng với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh. Trong đó, còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thậm chí thiếu cơ sở khoa học,… Rào cản điều kiện kinh doanh còn nặng nề và kéo theo đó là vô vàn thủ tục hành chính. Những bất cập gần đây trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm,... là hệ quả của những quy định về điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, mang nặng tính xin-cho, tiền kiểm thay vì hậu kiểm; đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, theo đó ảnh hưởng lớn tới các hoạt động xã hội liên quan.
- Công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu cũng chậm cải thiện; còn nhiều yêu cầu về quản lý quá mức cần thiết, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Các nguyên tắc quản lý theo chuẩn mực quốc tế (như quản lý rủi ro) chủ yếu áp dụng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; hầu hết các lĩnh vực kiểm tra chất lượng khác áp dụng không thống nhất hoặc chưa đầy đủ. Mặt khác, Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa kết nối đồng bộ thủ tục và dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước; nhiều thủ tục vẫn thực hiện bản giấy, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy thương mại qua biên giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2019 đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy vậy, nội dung cải cách vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, công tác này chậm chuyển biến. Hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại bất cập, hạn chế; vẫn còn những quy định không phù hợp.
PV VTV1: Rõ ràng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, hay mới đây nhất là văn bản số 493/TTg-KSTT ngày 01/6/2023. Vậy chúng ta cần thêm những yếu tố nào để công tác này phát huy hiệu quả thực chất hơn?
TS. Trần Thị Hồng Minh:
- Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan. Việc sớm có các nỗ lực cắt giảm quy định, thủ tục hành chính không cần thiết sẽ củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp, và “tiếp sức” cho họ để phục hồi và phát triển. Điểm quan trọng là phải hướng tới hình thành một “văn hóa” thân thiện với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác thay vì đối tượng quản lý.
- Các bộ, ngành, địa phương có cơ chế tạo động lực khuyến khích đổi mới sáng tạo và cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung để cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ, từ đó mạnh dạn bãi bỏ những quy định, thủ tục không phù hợp, gây chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
- Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp một cách thực chất; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe.
- Kiến nghị các bộ, ngành: Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.
- Thực hiện đánh giá độc lập, khách quan với sự tham gia của các viện nghiên cứu độc lập, các chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp…; đánh giá kết quả đạt được, phát hiện và xác định được vấn đề, vướng mắc khó khăn; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp. Thực tế nhiều năm qua cho thấy nhiều địa phương đã coi trọng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như là công cụ đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các nỗ lực đánh giá này phải duy trì liên tục.
PV VTV1: Trân trọng cảm ơn Bà!
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi kép số và xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)