Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về chủ đề kinh tế tuần hoàn
Góc nhìn chuyên gia

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về chủ đề kinh tế tuần hoàn

01/06/2023 - 3321 lượt xem

Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới dành nhiều quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Đây được coi là một hướng đi quan trọng gắn với yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Tại Việt Nam, sức ép về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày gia tăng đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh hơn từ các tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên khai thác tài nguyên sang các mô hình kinh tế bền vững hơn trong đó có kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) chủ trì.

Để có được góc nhìn cụ thể về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và nội dung đề xuất của cơ chế thử nghiệm cho mô hình kinh tế này, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT đã có trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM trả lời phỏng vấn TTXVN

Phóng viênThưa TS. Trần Thị Hồng Minh, kinh tế tuần hoàn là một khái niệm rất vĩ mô và mang tính học thuật. Bà có thể giải thích một cách dễ hiểu về khái niệm này và cho biết kinh tế tuần hoàn đang diễn ra như thế nào? 

Khi nói đến kinh tế tuần hoàn, các cơ quan và học giả đều dẫn chiếu đến định nghĩa chính thức do các tác giả Pearce và Turner đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990. Khái niệm này được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Khoản 1, Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa KTTH “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Dù vậy, định nghĩa tại Luật Bảo vệ môi trường vẫn có phạm vi tương đối hẹp. Trong Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam, chúng tôi đưa ra một cách hiểu mới, phù hợp hơn: KTTH phải gắn với quan hệ đầu vào-đầu ra giữa các ngành, tổ hợp sản xuất trong mô hình kinh tế tuần hoàn; vai trò của đổi mới sáng tạo; và tạo động lực cho doanh nghiệp (năng suất lao động, lợi nhuận) và người lao động (thu nhập).

KTTH đã rất phổ biến ở các nước châu Âu từ thế kỷ XX với việc Liên minh châu Âu (EU) đã có hẳn một Dự luật về kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, mô hình KTTH đã được triển khai ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về sự bắt nhịp của Việt Nam đối với mô hình tuần hoàn trong những năm gần đây? 

Có thể nói, ở Việt Nam thuật ngữ KTTH chỉ được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước kể từ năm 2020, nhưng các nội dung liên quan (phát triển bền vững, dịch vụ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, phân loại và tái chế rác thải,…) đã được đề cập tại nhiều văn bản trước đó.

Tính đến nay, Việt Nam chưa có mô hình KTTH một cách hoàn chỉnh và đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của KTTH đã xuất hiện. Một số mô hình tiếp cận kiểu cũ của KTTH, chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, các mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) trước đây đã được áp dụng khá thành công. Với tư duy mới hơn, các hoạt động sản xuất hữu cơ thuận tự nhiên theo mô hình KTTH, đặc biệt là trong nông nghiệp, có thể được kết hợp với các hoạt động du lịch, giải trí, dịch vụ khác để tạo thêm giá trị gia tăng và lợi ích cho nông dân. Làng sinh thái hữu cơ là mô hình mới, vừa bảo tồn được giá trị văn hóa làng xã, vừa phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch để góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Ngoài việc tạo thêm sản phẩm mới cho ngành du lịch như homestay, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, mô hình còn đem lại nguồn thu cho nông dân khi tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị du lịch.

Trong lĩnh vực công nghiệp, các mô hình mới, hướng gần hơn đến KTTH như "khu công nghiệp sinh thái”, “sản xuất sạch hơn”, "không phát thải”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của KTTH - cũng đã bắt đầu được triển khai. Heineken Việt Nam - điển hình của mô hình doanh nghiệp ứng dụng KTTH - có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế trong quá trình sản xuất bia, trong đó 4 nhà máy sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon. Ngay từ những năm 2014-2016, Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu của họ để dùng làm nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất của nhà máy.

Phóng viên: Thưa bà, đã có những doanh nghiệp Việt tiên phong trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng khung khổ chính sách cho mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?  

Có thể nói, từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, các quốc gia cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng; theo đó, KTTH được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng.

Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. 

Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam, ngay từ năm 2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản, và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về KTTH. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện đã báo cáo Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án.

Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ việc mở đường cho các mô hình kinh tế mới. Sự quan tâm và triển khai của doanh nghiệp chính là minh chứng cho thấy mô hình KTTH có thể mang lại lợi ích kinh tế, chứ không chỉ lợi ích về xã hội, môi trường. Chính ở đây, việc hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp sớm thực hiện dự án KTTH là rất quan trọng.

Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về yêu cầu cấp thiết xây dựng cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam tại thời điểm này?

Quyết định số 687/QĐ-TTg mới chỉ là một trong những nỗ lực đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển KTTH ở Việt Nam. Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn thì việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng,... Do kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước cũng cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn – nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng – chính là một yêu cầu cần thực hiện khẩn trương.

Phóng viên: Nội dung của cơ chế thử nghiệm tập trung vào những khía cạnh nào thưa bà? 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tập trung thử nghiệm phát triển KTTH ở các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng,… Cần lưu ý rằng, cách phân định ngành, lĩnh vực sẽ được làm rõ trong quá trình xây dựng Nghị định, bởi các dự án kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp có thể có cả cấu phần năng lượng. Trong quá trình tham vấn với các bộ, ngành và địa phương, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm và đề xuất mở rộng cơ chế thử nghiệm cho các lĩnh vực khác như công nghiệp, xử lý và tái chế rác thải,… 

Khi tham vấn với các bộ, ngành, chúng tôi đề xuất cơ chế thử nghiệm tập trung vào 07 nội dung chính sách quan trọng, phù hợp với các ngành, lĩnh vực này, cụ thể là: (i) Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; (ii) Phân loại xanh; (iii) Chính sách ưu đãi thuế; (iv) Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; (v) Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; (vi) Chính sách đào tạo lao động (vii) Chính sách đất đai.

Phóng viên: Theo bà cơ chế thử nghiệm này sẽ tạo ra cơ hội như thế nào cho các doanh nghiệp Việt trong việc tích cực xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn? 

Như tôi đã đề cập trước đó, nếu chỉ dựa vào cách tiếp cận tuần tự truyền thống để xây dựng các chính sách, xử lý các bất cập trong các văn bản pháp lý hiện hành cho KTTH thì sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nếu cơ chế thử nghiệm nhận được đồng thuận và sớm được ban hành, các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam sẽ yên tâm trong việc xây dựng và triển khai các sáng kiến phát triển KTTH. Khi ấy, việc triển khai các dự án KTTH có thể tận dụng được cơ hội từ bối cảnh phát triển mới sau dịch COVID-19, thay đổi hành vi tiêu dùng ở trong và ngoài nước, đồng thời gặp ít rủi ro pháp lý hơn liên quan đến các quy định chính sách trong thời gian thử nghiệm.

Tác động lan tỏa sẽ gia tăng theo cấp số nhân. Một doanh nghiệp yên tâm thực hiện dự án và tạo được lợi nhuận từ KTTH, không gặp rủi ro pháp lý trong cơ chế thử nghiệm, thì các doanh nghiệp khác cũng sẽ học hỏi, mạnh dạn đầu tư, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh gắn với mô hình KTTH. Lợi ích từ quá trình này cũng là thực tiễn để các cơ quan chính sách tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để KTTH có thể phát triển ổn định, dài hơi hơn. 

Phóng viên: Tài chính là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp thường rất băn khoăn khi bắt đầu với một xu hướng mới. Vậy với cơ chế thử nghiệm về kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn lực này như thế nào thưa bà? 

Nguồn lực tài chính cho KTTH nói riêng và phát triển bền vững nói chung luôn là một nội dung quan trọng. Cả trong cơ chế thử nghiệm và trong các chính sách chung nhằm phát triển KTTH, chúng tôi luôn kiến nghị phải chú trọng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác FTA, các đối tác đầu tư chủ chốt; tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh cho phát triển kinh tế tuần hoàn; và đề xuất khả năng và mức độ phù hợp trong tiếp cận tài chính số phục vụ các dự án kinh tế tuần hoàn. Thực tế, các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế đều rất quan tâm đến cơ hội tài trợ cho các sáng kiến, dự án KTTH. Điểm quan trọng là họ cần một khung pháp lý cho hoạt động này. Chính ở đây, cơ chế thử nghiệm mà chúng tôi đề xuất sẽ phát huy vai trò mở đường, khơi thông dòng vốn cho KTTH.

Phóng viên: Bà có lời khuyên như thế nào đối với những doanh nghiệp đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ khi tiếp cận với kinh tế tuần hoàn? 

Lĩnh vực KTTH là một lĩnh vực mới, khó, nhưng cũng rất tiềm năng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lo ngại về quy mô, tiềm lực tài chính của mình, song họ lại có độ linh hoạt để thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh mới gắn với KTTH. Thông điệp của tôi là hãy mạnh dạn xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng, Nhà nước sẽ tạo khung pháp lý thử nghiệm và lâu dài để chắp cánh cho các ý tưởng ấy./.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi