Hội thảo: Nhận diện các điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế
Hoạt động

Hội thảo: Nhận diện các điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế

03/06/2020 - 5238 lượt xem

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc tích cực chuẩn bị cho thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Chính phủ đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội như hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp (giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí,…). Đồng thời, Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chính sách khắc phục để đưa nền kinh tế nhanh chóng hồi phục và ổn định. Tuy vậy, hệ lụy từ đại dịch COVID-19 được dự đoán là sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp, đòi hỏi Chính phủ phải cân nhắc những yêu cầu mới, nhằm đảm bảo nền kinh tế sẽ phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có tính chống chịu tốt hơn. Trong bối cảnh đó ngày 01/6/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề: Nhận diện các điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã thực hiện khá tốt các biện pháp khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của nền kinh tế đã bộc lộ rõ hơn và/hoặc trở nên bức thiết hơn trong đại dịch, trở thành những điểm nghẽn cần được khắc phục sớm và triệt để để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng Hội thảo sẽ mở ra diễn đàn để các đại biểu, các chuyên gia cùng làm rõ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 góp phần tìm ra giải pháp căn cơ thực hiện thành công kế hoạch những tháng cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với những yêu cầu cải cách thể chế.

Hội thảo đã nghe ThS Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày Báo cáo đề dẫn của Viện. Báo cáo đã nêu lên một số vấn đề mang tính gợi mở: (1) Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam trước COVID-19; (2) COVID-19 và một số hệ lụy đối với kinh tế thế giới; (3) Một số tư duy phát triển kinh tế hậu COVID-19; (4) Hiện trạng của Việt Nam; (5) Một số điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19; và (6) Một số định hướng chính sách.

 

 ThS Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày Báo cáo đề dẫn 

Hội thảo đã ghi nhận nhiều tham luận và ý kiến từ các chuyên gia, đại điện một số bộ, ngành…, tập trung chủ yếu vào những vấn đề được coi là những điểm nghẽn cần được giải quyết trong thời kỳ hậu COVID-19, bao gồm: (1) Kinh tế số và vấn đề công khai minh bạch thông tin; (2) biến đổi khí hậu; (3) phát triển thị trường theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa trong hợp tác kinh tế quốc tế nhưng phải có đối sách tạo ra sự an toàn cả kinh tế và chính trị, sự vẹn toàn lãnh thổ;

(4) Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do và vai trò của các tập đoàn kinh tế, tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu kinh tế và vai trò chỉ đạo của Chính phủ; (5) sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất – kinh doanh xuất hiện rất rõ trong thời gian COVID-19 (dệt may, du lịch, lương thực, ….), vấn đề ưu tiên ngành, lĩnh vực hay doanh nghiệp để phát triển hợp lý, chính sách tạo động lực đối với khu vực kinh tế tư nhân trước và sau COVID-19; (6) vấn đề đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút FDI đang được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai quyết liệt, nhưng cốt lõi là vấn đề thể chế; (7) xử lý những vấn đề tồn tại như nợ xấu, thâm hụt ngân sách… (trước COVID-19 đã tồn tại, sau COVID-19 sẽ giải quyết theo hướng nào?); (8) cần có cơ quan nghiên cứu đánh giá hậu COVID-19 và xác định những vấn đề cần xử lý, theo dõi sát động thái chung của thế giới (chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa bảo hộ, xung đột khu vực và động thái của các cường quốc); (9) vấn đề an ninh quốc phòng trong mua bán và sáp nhập (M&A), vấn đề xác định khu vực kinh tế quan trọng (DNNN, DNTN, DN FDI, …), vấn đề văn hóa tư tưởng, …

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi