Vai trò kiến tạo của phụ nữ trong công cuộc chuyển đổi kép

Vai trò kiến tạo của phụ nữ trong công cuộc chuyển đổi kép

20/10/2024 - 4030 lượt xem

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam thời gian tới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và bình đẳng về cơ hội. Trong công cuộc đó, có những phụ nữ Việt Nam đang góp phần đặt nền móng cho một Việt Nam “xanh” hơn và làm chủ công nghệ mới. Hành trình của họ cho thấy vai trò và tiềm năng vượt trội của phụ nữ trên nhiều khía cạnh xã hội. Đó chính là cảm hứng để Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam và GIZ với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) thực hiện cuốn sách “Phụ nữ kiến tạo tương lai: Câu chuyện chuyển dịch kép” nhằm tôn vinh 20 tấm gương phụ nữ tiêu biểu từ nhiều lĩnh vực và vai trò khác nhau. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Chúng tôi xin trích một trong những câu chuyện về sức mạnh của phụ nữ nhằm kiến tạo sự thay đổi trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh từ cuốn sách đặc biệt này, câu chuyện về TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cơ quan tham mưu trực tiếp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Chính phủ ban hành Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đang giữ vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, MPI, TS. Trần Thị Hồng Minh đã chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hệ thống được hoàn thành đầu tiên trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử.

“Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học”

Henri-Frédéric Amiel, Triết gia, nhà thơ Thụy sỹ

Quá trình chuyển đổi kép - chuyển đổi số và chuyển đổi xanh- đang diễn ra sâu rộng trên thế giới. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhìn nhận quá trình này là hành trình khôi phục lại niềm tin giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên. Lòng tin không chỉ là mạch nước ngầm liên tục vun đầy những “giếng nước” đổi mới, sáng tạo, mà còn trở thành chất “kết dính” các chủ thể cùng chung tay bảo vệ các giá trị cho tương lai, trong đó có môi trường sống. TS. Trần Thị Hồng Minh gọi đây là “vốn xã hội”.

“Vốn xã hội là sự đoàn kết, sự gắn kết giữa con người. Với lòng tin, mọi người sẽ xích lại gần nhau hơn, nắm tay chặt hơn, và vốn xã hội sẽ gia tăng. Nhờ vốn xã hội, chúng ta đạt được kết quả nhanh hơn, thực chất hơn, lan tỏa rộng rãi hơn.”

Ảnh chân dung TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM trong cuốn sách

Con người và công việc của TS. Trần Thị Hồng Minh là sự giao thoa của hai thế giới: cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên, và khát vọng vươn tới tiến bộ khoa học. Làm mẹ ở tuổi 21 và có một cặp song sinh sau 7 năm, nữ nghiên cứu viên ấy đã phải nỗ lực vượt bậc trong những năm đầu sự nghiệp để vừa nuôi dạy các con, vừa học tập, rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu. Bắt đầu công tác ở chính CIEM từ năm 1992, TS. Trần Thị Hồng Minh đã không ngừng nỗ lực. Chị có 9 năm giữ các vị trí khác nhau ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh; Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) trước khi trở thành Viện trưởng CIEM vào năm 2019. Chị còn cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi chứng kiến con cái nên người. Bởi chị đã truyền lại cho các con những truyền thống gia đình tốt đẹp mà chị thừa hưởng từ chính bố mẹ của mình: khả năng tin tưởng và san sẻ với mọi người những gì mình có.

Nhiều người sẽ cảm thấy mãn nguyện khi đã có sự nghiệp và con cái trưởng thành. Đối với TS. Trần Thị Hồng Minh, thành quả “kép” ấy lại thôi thúc chị nỗ lực đổi mới, góp sức nhiều hơn vào công việc của Chính phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đảm nhận vai trò dẫn dắt CIEM khi Viện đã có “thương hiệu” về hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, nhưng nữ Viện trưởng ấy vẫn tiếp tục “khai phá” thành công những hướng đi riêng nhằm phát triển các mô hình kinh tế mới. Kể từ năm 2020, nhiều chuyên gia đã kiến nghị phải mở rộng không gian kinh tế mới. Tuy nhiên, chỉ CIEM của TS. Trần Thị Hồng Minh mới có thể cụ thể hóa không gian kinh tế mới gắn với những nguồn lực “phi truyền thống” như thời gian, dữ liệu, v.v.. hay tổ chức sản xuất trên nền tảng công nghệ số, thiết kế các hoạt động theo hướng tuần hoàn. Tâm đắc với ý tưởng chuyển đổi xanh để giữ gìn môi trường sống cho các thế hệ tương lai, chị đã trăn trở tham mưu định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn tạo động lực cho cả doanh nghiệp và người lao động cùng chuyển đổi.

“Với lợi thế sáng tạo, khéo léo và đầu óc kinh doanh của mình, phụ nữ có rất nhiều cơ hội từ các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo,v.v.. Chúng ta hay kiến nghị phải trao quyền cho phụ nữ. Tuy vậy, tôi nghĩ phụ nữ phải tin vào ý tưởng của mình, tin vào việc mình làm, và tin rằng mình làm được!”

Hơn một lần nhấn mạnh về lòng tin, TS. Trần Thị Hồng Minh luôn tin vào chữ “tâm”. Đã từng hiến máu 6 lần, mỗi lần trao đi giọt máu, chị hiểu rằng hành động tuy nhỏ nhưng sẽ góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Tất cả những đơn vị mà TS. Trần Thị Hồng Minh đã công tác qua đều có DNA là lòng tin - nơi mọi người cùng gắn bó, san sẻ và phụng sự mục đích lớn.

 

Nguồn: Trích từ cuốn sách “Phụ nữ kiến tạo tương lai: Câu chuyện chuyển dịch kép”, NXB Lao động, 2023.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi