Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”
Tin tức sự kiện hoạt động của Viện

Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”

29/11/2022 - 5726 lượt xem

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động” được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”. Hội thảo do ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước USAID đồng chủ trì. 

Ông Trần Quốc Phương,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

và ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước USAID đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng xác định các trụ cột chính để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, trong đó, nhấn mạnh duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ), đổi mới sáng tạo. Do đó, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm cụ thể nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao NSLĐ, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Triển khai nhiệm vụ này, trong gần một năm vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế tại một số địa phương, tổ chức các hội thảo chuyên gia, tọa đàm kỹ thuật để xây dựng Dự thảo Báo cáo Đề án Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thay mặt Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM trình bày khái quát một số kết quả nghiên cứu chính của Dự thảo. Báo cáo Đề án cho thấy,  khung chính sách đã được hình thành tương đối đầy đủ tạo nền tảng cho cải thiện NSLĐ. Tuy vậy, thể chế, chính sách chưa hoàn thiện, đồng bộ, đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp, cải cách hướng tới cải thiện NSLĐ; vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành địa phương trong đảm bảo thực hiện còn chưa được xác định cụ thể. Thực trạng NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Theo vùng kinh tế trọng điểm, NSLĐ không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam. Đáng lưu ý, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.

Từ đó, ông Đức Anh nêu ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và các nhóm giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào một số định hướng, giải pháp chính: Thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới (bao gồm công nghệ số) và phát huy ĐMST để tăng NSLĐ; Đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức; Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về NSLĐ quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 để thúc đẩy và điều phối xử lý các vấn đề liên ngành đối với NSLĐ.

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM

Trình bày tại Hội thảo về Những điểm nghẽn trong thúc đẩy NSLĐ ở cấp độ ngành và doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chuyên gia Dự án USAID IPSC cho rằng, những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy tăng năng suất lao động bao gồm sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.

Tại Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh đã điều phối phiên thảo luận với chủ đề “Cơ hội và sáng kiến thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam” với sự tham gia của PSG.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT; Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT và TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng thảo luận những định hướng/giải pháp chính để hỗ trợ doanh nghiệp tăng NSLĐ; thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng NSLĐ; hay đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức…

Kết thúc Hội thảo, thứ trưởng Trần Quốc Phương  cảm ơn các đại biểu đã tham dự Hội thảo, các diễn giả và các chuyên gia đã có những chia sẻ hữu ích, thảo luận sôi nổi và thú vị, mở ra những góc nhìn mới về các điểm nghẽn đối với tăng năng suất lao động tại Việt Nam, tìm kiếm những cơ hội, động lực mới cho tăng NSLĐ cũng như đề xuất những sáng kiến, giải pháp khả thi trong giai đoạn tới đây và chỉ đạo CIEM sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động để sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi