Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025”

25/01/2021 - 1398 lượt xem

Trong khuôn khổ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng ngày 21 tháng 1 năm 2021, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, khối cơ quan Trung ương như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng nhiều đơn vị báo, đài truyền hình…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2014-2020 và giới thiệu Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2021). Từ năm 2014, Chính phủ đã thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy tới hành động cải cách, đảm bảo quyền tự do và an toàn kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Kết quả được ghi nhận qua điểm số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Cụ thể là đạt được một số kết quả về xếp hạng quốc tế, cải cách điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cung cấp dịch vụ công và thanh toán không dung tiền mặt. Đến hết năm 2019, cắt giảm hơn 50% số đkkd có quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu và hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi.Cải cách quản lý (QL), kiểm tra chuyên ngành  thời gian qua cũng đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, mặt hàng phải thực hiện QL, KTCN giảm 12.600 mặt hàng từ khoảng 82.698 mặt hàng (2015) xuống còn 70.087 mặt hàng (hiện nay), tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan khoảng 19,4% lĩnh vực; trên nhiều lĩnh vực, các quy định về KTCN đang từng bước áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, miễn kiểm tra); hầu hết các thủ tục về quản lý chất lượng được chuyển sang giai đoạn sau thông quan, thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện thủ KTCN đã được rút ngắn đáng kể. Tính đến nay, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 207/250 thủ tục.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh và ẩn chứa nhiều rủi robất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt giữa các quy định trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…

Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.Duy trì thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019. Bổ sung, mở rộng các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2021 để phù hợp với tình hình mới, thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19 và mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh

Đóng góp ý kiến tại Hội Thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm trong cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Tuấn, phải có định hướng rõ ràng và chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống; “Các nước làm được, ta làm được”; Phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức độc lập; Quan trọng là chất lượng thực thi. Thành tích cải cách phải được đánh giá độc lập và từ thực tiễn. Đổi mới phải từ dưới lên và có vai trò của chính quyền địa phương. Sự năng động và động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng.  Những mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn…

Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị, để có một môi trường kinh doanh thuận lợi thì cần phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những giải pháp như: Tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh; Đổi mới quy trình xây dựng luật: minh bạch, chuyên nghiệp, chống xung đột, chống cài cắm lợi ích...; Tính toán đầy đủ chi phí lợi ích của quy định; Thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường: thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro; Bảo hộ quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, thúc đẩy công nghiệp sáng tạo; Tăng cường và bảo đảm giao kết hợp đồng: hợp đồng nông nghiệp, hợp đồng PPP.... ; Cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả…

TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng ấn tượng về cải cách. Nhiệm vụ này kế thừa các Nghị quyết 19 trước đây, nhưng được mở rộng phạm vi hơn nhiều và chú trọng việc tháo bỏ các rào cản với quyền tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.Do đó, việc Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02, duy trì tính liên tục của các mục tiêu, giải pháp trong các Nghị quyết 19 trước đây và 02 sau này là rất quan trọng, cần thiết để tiếp nối những thành quả cải cách đạt được những năm qua. Đáng chú ý, tại Nghị quyết 02 lần này, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749. Điều này là rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra đã làm tăng sức ép cũng như tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, số hoá của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

TS. Cung nhấn mạnh, năm 2021 nếu đạt kết quả tốt sẽ tạo nền tảng bứt phá và niềm tin cho cả kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm. Muốn vậy, cần có chính sách giải pháp kích thích kinh tế, thúc đẩy những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực, giúp nền kinh tế năng động hơn.Cùng với đó, phải thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì trọng tâm của cải cách thể chế trong giai đoan này là xây dựng và phát triển các loại thị trường các nhân tố sản xuất để các loại thị trường này thực hiện vai trò chủ yếu trong huy động nguồn lực, phân bố và sử dụng nguồn lực…

Toàn cảnh Hội thảo 

Các chuyên gia đều đều cho rằng với những tiến bộ trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thời gian qua có thể kỳ vọng năm 2021 và những năm tiếp theo, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn mục tiêu đặt ra./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu


Tin tức khác