Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn VnBusiness về câu chuyện phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam
Tin tức

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn VnBusiness về câu chuyện phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

31/01/2023 - 2509 lượt xem

Để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Theo đó, bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”, gắn với việc xây dựng một khung pháp lý để doanh nghiệp yên tâm thực hiện các sáng kiến kinh doanh gắn với ý tưởng kinh tế tuần hoàn. Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do CIEM chủ động nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những chia sẻ với VnBusiness về câu chuyện phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. TS Minh dự báo, "Kinh tế tuần hoàn" sẽ là cụm từ được các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm trong năm mới khi nhiều thị trường lớn đang tính tới việc đánh thuế carbon với hàng hóa xuất khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Từ thực tế và qua quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách, bà nhìn nhận khuôn khổ pháp lý và sự ra đời của các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững ở Việt Nam đang được triển khai ra sao, cũng như tác động tích cực thế nào tới nền kinh tế?

Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), phát triển bền vững là xu thế tất yếu trên thế giới. Ở Việt Nam, quá trình rà soát chính sách đến trước 2020 cho thấy, thuật ngữ KTTH chưa được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, các văn bản, chính sách kể từ năm 1986 đã đề cập đến các yếu tố, khía cạnh của KTTH như đổi mới tư duy về phát triển đất nước theo hướng bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Kể từ năm 2020, tư duy phát triển KTTH đã được cụ thể hóa, nổi bật ở Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải cụ thể hóa các chính sách, ưu tiên để thúc đẩy phát triển KTTH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về việc “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Quyết định số 687/QĐ-TTg được ban hành ở một thời điểm rất quan trọng. Chúng ta phải cân nhắc những định hướng, yêu cầu chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững hơn.

Cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 chính là một nền tảng bước đầu. Việt Nam phải xử lý thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách thích ứng theo hướng tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế, trong đó có việc sử dụng các nguyên liệu, đầu vào hiệu quả hơn. Yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau những khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế trong các năm 2020-2021 cũng đòi hỏi phải chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới nhằm tạo thêm không gian phát triển cho doanh nghiệp. Quyết định số 687 chính là một bước đi quan trọng để các cấp, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển các mô hình KTTH, kinh doanh tuần hoàn ở địa phương, doanh nghiệp mình.

Dịch COVID-19 đang khiến người tiêu dùng chuyển mạnh sang xu hướng tiêu dùng xanh. Điều đó chứng tỏ, phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn của các doanh nghiệp. Tuy vậy khi triển khai trên thực tế, doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?

Một số những khó khăn doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình ứng dụng mô hình KTTH là: Mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về loại hình kinh tế này còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc nâng cao hiệu quả ứng dụng KTTH trong doanh nghiệp.

So sánh khái quát giữa kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn

Bên cạnh đó, các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển và áp dụng mô hình KTTH, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về KTTH và kinh doanh tuần hoàn còn thiếu. Nguyên nhân là do chưa cụ thể hóa được các tiêu chí cụ thể về mô hình, dự án KTTH.

Thống kê cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc áp dụng mô hình KTTH đòi hỏi phải thay đổi về công nghệ, tổ chức sản xuất, ý thức và kỹ năng của người lao động, do đó trở thành thách thức đối với các doanh nghiệp.

Và cuối cùng là nhận thức của người tiêu dùng trong nước đối với tiêu dùng bền vững, sử dụng các sản phẩm xanh,… chưa có nhiều chuyển biến. Không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ từ mô hình KTTH.

Theo bà, cần giải pháp nào để Việt Nam xác lập vị thế kinh tế mới trong bối cảnh thực thi cam kết và quy định về giảm phát thải khí hậu đúng như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26?

Như tôi đề cập ban đầu, Quyết định số 687/QĐ-TTg mới chỉ là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển KTTH ở Việt Nam. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, có tính “dài hơi” mà các bộ, ngành cần phải thực hiện đồng bộ, trong đó có: Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH; Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức truyền thông để quán triệt nâng cao nhận thức về vấn đề mới, khó này. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”, gắn với việc xây dựng một khung pháp lý để doanh nghiệp “yên tâm” thực hiện các sáng kiến kinh doanh gắn với ý tưởng KTTH cụ thể. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng cần khẩn trương thực hiện là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển KTTH.

Cụ thể, chúng ta cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về KTTH, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách sáng tạo, hiệu quả. Kinh nghiệm ở các nước là thúc đẩy KTTH phải trên cơ sở tăng cường ứng dụng thành quả của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, để KTTH không chỉ là tái sử dụng, cắt giảm, mà còn là phục hồi tài nguyên,…

Cùng với đó, cần phải đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, cắt giảm phát thải. Điểm quan trọng là cần tăng nhận thức của doanh nghiệp và chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng và đóng góp vào phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, thay vì chỉ “thụ động” thực hiện cam kết và yêu cầu của đối tác.

Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2022 về phát triển kinh tế, bà thấy đâu là điểm sáng mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời dự báo về triển vọng phát triển kinh tế 2023?

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả bối cảnh quốc tế và trong nước năm 2022, Việt Nam vẫn thể hiện đà phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Điểm sáng quan trọng trong năm 2022 là chúng ta đã tạo được những nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế một cách vững chắc. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội – theo Nghị quyết số 11/NQ-CP – đã được thực hiện với những giải pháp quan trọng ở nhiều trụ cột. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững. Những ý tưởng cải cách nhằm mở rộng không gian phát triển đã được hiện thực hóa rõ nét trong năm 2022, trong đó có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và xã hội số, hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội, tăng năng suất lao động…

Mặc dù vậy, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong năm 2023. Thứ nhất, rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine kéo dài đã kéo theo khủng hoảng năng lượng ở nhiều nước, tăng giá năng lượng trên thị trường thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng. Xử lý tác động đa chiều, đa tầng của các xu hướng này đối với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và lạm phát của Việt Nam sẽ đòi hỏi phải theo dõi các kịch bản, đồng thời thực hiện thận trọng, linh hoạt các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó là khó khăn đối với bảo đảm đủ số lượng lao động và đủ kỹ năng lao động cần thiết cho quá trình phục hồi kinh tế. Trong hai năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung lao động tại một số thời điểm do hệ lụy của dịch COVID-19. Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động.

Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động đồng thời tạo dựng kỹ năng để người lao động thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện.

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Nguồn: vnbusiness.vn

 

 

Tin tức khác