Giới thiệu chung
Giới thiệu chung

VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được thành lập theo Quyết định số 209 NQ-NS/TW ngày 14/7/1977 của Bộ Chính trị. Thực hiện Quyết định này, ngày 17/4/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 215-NQ/QHK6 phê chuẩn việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ; Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111-CP ngày 18/05/1978 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế. Lúc này, Viện được giao thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ; trong đó có chức năng nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn xây dựng các dự thảo đề án về quản lý kinh tế có nội dung tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để trình Hội đồng Chính phủ.

Ngày 27/10/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 07-CP giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Trải qua hơn 40 năm thành lập và trưởng thành, từ 22 cán bộ, công chức ban đầu, đến nay Viện đã có một đội ngũ cán bộ vững mạnh, trong đó 95% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, có 2 Phó Giáo sư, 14 tiến sĩ, 37 thạc sĩ và 18 cán bộ có trình độ đại học.

Kể từ khi thành lập, chức năng và vai trò cơ bản của Viện không thay đổi, Viện luôn là cơ quan nghiên cứu xây dựng và phát triển khoa học quản lý kinh tế ở Việt Nam, đề xuất các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, là cơ quan tư vấn kinh tế quan trọng và tin cậy của Đảng, Nhà nước; đồng thời được bạn bè và các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế.

2. MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CHÍNH CỦA VIỆN

2.1. Về công tác nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách

Từ khi được thành lập, Viện luôn được giao tổ chức nghiên cứu xây dựng các dự thảo văn bản chính sách và báo cáo đánh giá triển khai chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2010 - 2020), Viện đã chủ trì xây dựng và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng trăm dự thảo văn bản chính sách và báo cáo kết quả triển khai chính sách. Trong đó, có thể kể đến một số sản phẩm cụ thể theo 5 nhóm sau:

1) Nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Trung ương

- Dự thảo Đề án “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (đã được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016).

2) Nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội

- Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (đã được Quốc hội thông qua tại Luật số 68/2014/QH13).

- Dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 (đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016).

- Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (đã được Quốc hội thông qua tại Luật số 59/2020/QH14).

3) Nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ

- Dự thảo Nghị định quy định điều lệ mẫu của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 19/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014).

- Dự thảo Nghị định tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014).

- Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (đã được Chính phủ thông qua hàng năm bằng việc ban hành các nghị quyết với cùng số hiệu là Nghị quyết số 19 và nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP).

- Dự thảo Nghị định Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015).

- Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội khóa XIV về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017).

- Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017).

- Dự thảo Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017).

- Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018).

- Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018).

- Dự thảo Nghị định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu (đã được Chính phủ thông qua tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019).

4) Nghiên cứu xây dựng dự thảo các Chiến lược, Đề án và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

 - Dự thảo Đề án những giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1914/2010/QĐ-TTg ngày 19/10/2010).

- Dự thảo Đề án Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01/7/2013).

- Dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013).

- Dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đã được Bộ Chính trị kết luận tại Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017).

- Dự thảo Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019).

- Dự thảo Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 và thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm (đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020).

- Dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

Trong tình hình mới, để bắt kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, Viện được giao thực hiện các đề án, báo cáo có tính chất mới như: Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và hướng nghiên cứu về kinh tế số…Đây là những đề án nhằm tham mưu các cơ chế, chính sách phù hợp để Việt Nam có thể tiếp cận và tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước.

5) Nghiên cứu xây dựng các báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Cùng với việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chính sách, Viện đã được giao thực hiện nhiều báo cáo để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cho Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, như:

- Báo cáo định hướng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (Báo cáo số 8799/BC-BKHĐT ngày 20/12/2011).

- Báo cáo đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) kết quả 03 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh và Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020.

- Báo cáo sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với Doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và đề xuất “Mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu” (Báo cáo số 9877/BC-BKHĐT ngày 06/11/2015).

- Báo cáo đổi mới tổ chức quản lý đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phục vụ Hội nghị tổng kết tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015.

- Báo cáo Kết quả 3 năm (2013-2015) triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh và Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, trình Chính phủ báo cáo các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại Kỳ họp thứ 10 năm 2015.

- Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Báo cáo số 466/BC-CP, Báo cáo số 467/BC-CP ngày 11/10/2018 và Báo cáo số 506/BC-CP ngày 17/10/2018 báo cáo Quốc Hội).

- Báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chỉ số ICOR (Báo cáo số 2078/BC-BKHĐT ngày 02/4/2018).

- Báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, phục vụ cuộc họp Chính phủ thường kỳ 6 tháng và 01 năm.

- Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 (Báo cáo số 531/BC-CP ngày 16/10/2020 của Chính phủ).

- Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng (Báo cáo số 8462/BC-BKHĐT ngày 21/12/2020).

- Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Báo cáo số 8566/BC-BKHĐT ngày 24/12/2020).

2.2. Về công tác nghiên cứu khoa học

Ngay từ khi mới thành lập, Viện đã luôn coi trọng công tác tổ chức nghiên cứu khoa học gắn liền với tổng kết thực tiễn nhằm tạo luận cứ khoa học, thực tiễn cho việc xây dựng các đề án quản lý kinh tế tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Trong cơ cấu tổ chức của Viện, Hội đồng khoa học với các thành viên do Hội nghị cán bộ nghiên cứu bầu ra, có chức năng tư vấn về khoa học quản lý kinh tế cho Viện trưởng và các Lãnh đạo Viện.

Trong giai đoạn mười năm gần đây, Viện đã thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước; đề tài khoa học cấp Bộ và đề tài cơ sở. Các đề tài do Viện thực hiện đều nhằm phục vụ trực tiếp cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao.

2.3. Về công tác đào tạo

Hiện nay, Viện tập trung vào công tác đào tạo tiến sĩ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành quản lý kinh tế; mở các lớp tập huấn có liên quan đến phổ biến, tuyên truyền nội dung luật pháp kinh tế và các lớp chuyên đề về kinh doanh, cơ chế chính sách và quản lý kinh tế cho cán bộ, lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp trong cả nước.

2.4. Về hợp tác quốc tế

Viện tích cực hợp tác nghiên cứu với nhiều nước và tổ chức quốc tế như: Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) do Chính phủ Australia tài trợ; Chương trình hợp tác phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Tổ chức hợp tác quốc tế Đức – GIZ (Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh); Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế DANIDA do Đan Mạch tài trợ, Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án GIG  USAID (triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) v.v.

Nhiều dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế có tính thực tiễn cao như: Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam; Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh; Dự án “Tầm nhìn thể chế đến năm 2020” do Chính phủ Thụy Điển tài trợ thông qua tổ chức SIDA phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ; tham gia vào hoạt động của Ủy ban Kinh tế, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tập trung vào các nội dung cải cách cơ cấu mới của APEC và nhóm công tác về Luật và Quản trị doanh nghiệp; hợp tác với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA trong việc xây dựng Đề án Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Ngoài ra, Viện còn thiết lập quan hệ hợp tác rộng rãi và có hiệu quả với một số nước và tổ chức quốc tế như: Pháp, Anh, Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) v.v. là thành viên của Viện Nghiên cứu ASEAN và Đông Á (ERIA).

3. THAY CHO LỜI KẾT

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn chủ động nghiên cứu những vấn đề mới để tham mưu cho Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách về đổi mới kinh tế. Trải qua hơn 40 năm phát triển và trưởng thành, đến nay, Viện đã và đang đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào thúc đẩy quá trình đổi mới và cải cách toàn diện nền kinh tế; vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Viện đã thể hiện rõ vai trò của một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về nghiên cứu kinh tế và tư vấn chính sách đổi mới, phát triển kinh tế. Viện chú trọng tập trung vào các vấn đề mang tính chiến lược và thực tiễn cải cách, phát triển của nền kinh tế Việt Nam.Viện đã từng được đánh giá là một trong 80 viện nghiên cứu chính sách hàng đầu thế giới về lĩnh vực chính sách kinh tế quốc gia (theo The Global “Go-To-Think-Tanks”).

Với những đóng góp của mình, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao và tặng thưởng các phần thưởng có giá trị như: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2013), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008), Huân chương Lao động hạng Nhất (2003) và nhiều phần thưởng cao quý khác như Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vinh dự là một trong 12 tập thể toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước được tôn vinh tại Chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới".

 

Với truyền thống vẻ vang của mình, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu, tổ chức nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế cho Đảng và Nhà nước nhằm đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… nhằm góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển kinh tế tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

              -----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị sự nghiệp khoa học, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; hoạt động tự chủ theo quy định của pháp luật.
Tên giao dịch tiếng Anh: Central Institute for Economic Management (CIEM).
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam.

Điện thoại: 84-24-38437461 

Fax: 84-24-38456795 

Website: http://ciem.org.vn