Dự án Aus4Reform
Dự án Aus4Reform

Giới thiệu về Chương trình Aus4Reform

1. Mục tiêu và các kết quả dự kiến

Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Chương trình Aus4Reform) nhằm hỗ trợ các cơ quan Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

Các kết quả dự kiến của Chương trình (vào cuối năm 2020) bao gồm:

- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng hơn, hướng tới mục tiêu có ít nhất một triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020, bao gồm cả việc tăng tỷ trọng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tăng việc làm cho khu vực tư nhân đối với cả nam và nữ;

- Hình thành và phát triển các thị trường sản phẩm và thị trường các nhân tố sản xuất mang tính cạnh tranh và minh bạch hơn, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi có hiệu quả các nhân tố sản xuất (đặc biệt là đất đai), thành các sản phẩm và dịch vụ mang tính sáng tạo và có nhiều giá trị gia tăng hơn, và giảm sở hữu đất nông nghiệp nhỏ lẻ; 

- Tăng cường các thể chế cạnh tranh bao gồm xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi), tái cơ cấu cơ quan cạnh tranh và các cơ chế thực thi Luật; 

- Đẩy nhanh tái cơ cấu nông thôn, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động ở khu vực nông thôn 

- Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giảm khoảng cách về giới trong năng suất lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng suất.

2. Các cấu phần 

Chương trình sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu nêu trên thông qua bốn cấu phần và Quỹ Linh hoạt với kết quả dự kiến bao gồm:

 

Cấu phần 1: Tạo lập thị trường cạnh tranh, minh bạch và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh 

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện cấu phần 1 với các kết quả dự kiến đạt được: 

- Giám sát và triển khai các sáng kiến phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình phát triển kinh tế mới (NEGM), bao gồm cả việc hiểu rõ hơn tiến độ và các vấn đề trong thực hiện cải cách ở cấp địa phương.

- Triển khai có hiệu quả các kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm hợp lý hóa môi trường kinh doanh, bao gồm cả việc hiểu rõ hơn về tiến độ và các vấn đề của các cuộc cải cách ở cấp địa phương.

- Tăng cường hỗ trợ cho các chương trình cải cách nhằm phát triển các thị trường nhân tố với trọng tâm là phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp 

- Nâng cao năng lực triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào: giám sát và đánh giá quá trình cổ phần hóa, giải quyết các doanh nghiệp thua lỗ, giám sát tài chính, và tăng cường quản trị minh bạch và trách nhiệm giải trình.

- Đưa ra các khuyến nghị về cải cách, tái cơ cấu và cải thiện đầu tư công và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công. 

 

Cấu phần 2: Tăng cường các thể chế cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) – Bộ Công Thương chủ trì thực hiện cấu phần 2 với các kết quả dự kiến đạt được:

- Thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi, và tái cơ cấu các cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh phù hợp với cam kết quốc tế và thông lệ tốt. 

- Tăng cường cơ sở bằng chứng, hệ thống thông tin và kỹ năng giúp cơ quan quản lý cạnh tranh quản lý các hành vi không mang tính cạnh tranh.

- Đề xuất các sửa đổi cơ bản trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

- Cải thiện được cơ sở bằng chứng, hệ thống thông tin và các kỹ năng cần thiết để thực thi trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của cơ quan quản lý cạnh tranh.

- Nâng cao năng lực thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Cấu phần 3: Tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu nông thôn và tăng khả năng cạnh tranh của các yếu tố thị trường  

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện cấu phần 3 với các kết quả dự kiến đạt được:

- Đề xuất các biện pháp giúp giảm thiểu tác động bất lợi của hội nhập kinh tế đối với kinh tế nông thôn.

- Khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp bằng các cải cách cụ thể ở một tỉnh và/hoặc một chuỗi giá trị.

- Nâng cao năng suất lao động và phúc lợi cho các hộ nông thôn ở một hoặc nhiều tỉnh được lựa chọn.

- Thành lập các “liên minh” nông thôn ở một số địa phương được lựa chọn, chủ động vận động thực hiện các cải cách nhằm tăng giá trị gia tăng và năng suất lao động ở khu vực nông thôn.

 

Cấu phần 4: Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cấu phần 4 với các kết quả dự kiến đạt được:

- Tăng cường tiếng nói của Cộng đồng doanh nghiệp trong giám sát và thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ.

- Nâng cao vai trò chủ động của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc khuyến khích trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

 

Cấu phần 5 : Quỹ Linh hoạt -nhằm giải quyết các vấn đề mới phát sinh liên quan đến các rào cản đối với tăng trưởng năng suất và đổi mới

- Nâng cao năng lực phân tích và báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm thực hiện tốt hơn vai trò giám sát và định hướng chương trình nghị sự phát triển kinh tế của Chính phủ; 

- Tăng cường cơ sở bằng chứng hỗ trợ Ban Kinh tế Trung ương giám sát lịch trình phát triển và cải cách kinh tế quốc gia.

- Nâng cao năng lực của một địa phương trong việc thực thi chương trình cải cách kinh tế phù hợp với mô hình phát triển mới, từ đó có mô hình để áp dụng ở các địa phương khác.

- Báo cáo và khuyến nghị về các lựa chọn cho thành phố Hồ Chí Minh trong việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các vùng lân cận. 

 

3. Thời gian và các cam kết về nguồn lực 

Chương trình Aus4Reform được thực hiện từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 6 năm 2021. Chính phủ Australia sẽ tài trợ không hoàn lại số tiền 6.500.000 AUD. Thông qua các cơ quan thực hiện của mình, Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp các hỗ trợ bằng hiện vật ước tính trị giá 4.500.000.000 đồng Việt Nam (tương đương 260.000 AUD). Ngoài ra, còn có sự đóng góp của khu vực tư nhân, cơ quan báo chí, các tổ chức doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cộng đồng nói chung chủ yếu thông qua việc tham dự các hoạt động của Chương trình.