Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo tham vấn Nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” và tham gia Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021
Tin tức

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo tham vấn Nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” và tham gia Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021

30/12/2021 - 4114 lượt xem

Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn Nghiên cứu “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh (GIZ). Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội thảo do TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp, các đại diện đến từ các cơ quan ban, ngành Trung ương, viện nghiên cứu… Nội dung tập trung vào việc thảo luận, đề xuất, kiến nghị để hướng tới hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

          Tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu nhận định, nền kinh tế thị trường (KTTT) của Việt Nam trong thời gian vừa qua từng bước được hình thành và phát triển về đổi mới từ tư duy nhận thức, điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, các yếu tố nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường đã được hình thành và ngày càng thể hiện rõ hệ thống pháp luật kinh tế của chúng ta, quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được đảm bảo, các thị trường sản xuất được hình thành và phát triển. Mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế là chất xúc tác quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi và phát triển. 35 năm đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường  đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, đó là quy mô nền kinh tế được mở rộng, nền kinh tế đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, các thành phần kinh tế của thị trường phát triển, mức sống của người dân được cải thiện đáng kể và Việt Nam đã tham gia vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền KTTT, từ vấn đề xác định và thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong sự phát triển của các chủ thể thị trường để đảm bảo các quyền của các chủ thể và sự phát triển của các nền tảng thị trường. Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc và cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu, năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh hiệu lực, hiệu quả, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, độc lập tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn liền với nâng cao hiệu quả khoa học, hội nhập quốc tế. Phấn đấu năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu đề ra đó, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ để chuyển đổi đồng nhất, hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

          Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Cải cách và phát triển doanh nghiệp -CIEM đã trình bày một số kết quả ban đầu của Nghiên cứu hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, cho thấy những đổi mới nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường được thể hiện rõ trong đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; trong điều chỉnh về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước; đổi mới hệ thống pháp luật về kinh tế; đảm bảo quyền của người dân và các chủ thể thị trường; hình thành và phát triển các thị trường nền tảng; mở rộng quan hệ ngoại giao và hội nhập quốc tế.

          Những đổi mới nền tảng đã mang lại những kết quả cụ thể đáng ghi nhận như quy mô nền kinh tế, GDP bình quân đầu người tăng đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng điều hành nền kinh tế, môi trường kinh doanh đã cải thiện. Việc ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ công đã hạn chế tiếp xúc trực tiếp cơ quan hành chính góp phần tiết kiệm chi phí thời gian, giảm thiểu chi phí phi chính thức cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách và phát triển khu vực kinh tế nhà nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm về số lượng, thu hẹp ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN; Khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển và dần khẳng định được vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển mạnh và trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; Giá trị và thị trường xuất nhập khẩu của các chủ thể kinh tế đã tăng nhanh và mở rộng đáng kể… Bên cạnh đó, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cũng có những thành quả nhất định. Việt Nam được đánh giá một nước thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị và nông thông được thu hẹp đáng kể. Hệ thống an sinh xã hội phát triển khá toàn diện, đa dạng; Mức sống được cải thiện; Hệ số bất bình đẳng có xu hướng giảm… Báo cáo cũng đề xuất trọng tâm cải cách trong thời gian tới đó là điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, quy mô, phạm vi, công cụ Nhà nước can thiệp vào thị trường, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; phát triển các chủ thể thị trường, phát triển các thị trường nền tảng, hoàn thiện thể chế đảm bảo cạnh tranh, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

          Bình luận dự thảo Báo cáo nghiên cứu, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được của Báo cáo,  PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cũng gợi ý nhóm nghiên cứu về điều chỉnh cách tiếp cận, bổ sung phần lý luận làm cơ sở đánh giá...

          Phát biểu ý kiến tại hội thảo, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho thấy Việt Nam đã hoàn thành cải cách thể chế bậc thấp, đang thực hiện cải cách thể chế bậc trung nhưng gặp nhiều khó khăn… Để hoàn thiện nền kinh tế thị trường, cần tập trung vào các vấn đề sở hữu, kinh tế nhà nước, DNNN để thúc đẩy thị trường phát triển.

          TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng vai trò của Nhà nước cần được xem xét, thay đổi trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đặc biệt Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang diễn biến mạnh mẽ, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp và chính sách phù hợp trong thời gian tới.

          Kết thúc hội thảo, Viện trưởng CIEM ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhấn mạnh Hội thảo giúp nhóm nghiên cứu nhận diện tổng quát được các vấn đề, nội dung trọng tâm, giúp hoàn thiện báo cáo và đáp ứng yêu cầu rất mới trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là tiền đề để hỗ trợ nhóm nghiên cứu, CIEM trong công tác tham mưu, tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ có được chính sách, chủ trương phù hợp trong thời gian sắp tới khi thực hiện các nội dung liên quan đến hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam./.

 

Ngày 15 tháng 12 năm 2021, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì.

Đây là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nhằm tạo kênh trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể tham gia xúc tiến xuất khẩu, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đại diện các tổ chức thương mại quốc tế. Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” nhằm trao đổi những nhận định về cơ hội thị trường, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và của các địa phương cũng như các giải pháp xúc tiến xuất khẩu hiệu quả trong các năm tiếp theo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh bình thường mới.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên TS. Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng, nên coi đây là nhân tố tạo động lực mới chứ không thể thay thế xúc tiến thương mại truyền thống.

Bà Minh cũng đề cập tới việc "xanh hóa" hoạt động xúc tiến thương mại, khi các thị trường xuất khẩu chính cũng đang dịch chuyển nhu cầu hướng tới các sản phẩm xanh.

“Tư duy xúc tiến thương mại cần đẩy mạnh hơn vào các thị trường cửa ngõ, bởi đây là các địa bàn quan trọng, giúp tìm kiếm thêm các thị trường mới, tiềm năng. Xúc tiến thương mại không nên tập trung ở một mặt hàng hay thị trường cụ thể, mà tính tới sự liên kết giữa các thị trường. Khi đó, cùng một công sức, hoạt động xúc tiến xuất khẩu sẽ có tính lan tỏa, kết nối và gia tăng giá trị xuất khẩu lên gấp bội”, bà Trần Thị Hồng Minh gợi ý.

Góp ý tại diễn đàn, ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất, Phó ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng lưu ý, thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ; người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Ông Bartosz Cieleszynsky kêu gọi các doanh nghiệp chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Không thể xúc tiến xuất khẩu được nếu sản phẩm đó không đáng để xúc tiến.

“Những sản phẩm xứng đáng được xúc tiến là những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Đó là các sản phẩm đáp ứng được tiêu chí: Xanh - sạch – được sản xuất theo một phương thức bền vững nhất với môi trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

 

         

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu; tổng hợp.

 

 

 

 

 


Tin tức khác