Tọa đàm: “Kế hoạch cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm và phát triển các loại hình thị trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”
Hoạt động

Tọa đàm: “Kế hoạch cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm và phát triển các loại hình thị trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”

01/11/2020 - 1697 lượt xem

Trong khuôn khổ dự án GIZ, sáng ngày 30 tháng 10 năm 2020, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm: “Kế hoạch cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm và phát triển các loại hình thị trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”.

PGS.TS.Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm có các diễn giả, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành như: Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng BIDV, Viện Khoa học lao động và xã hội và các cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và các lĩnh vực trình bày đề dẫn về mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm và phát triển các loại hình thị trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030: Đây là những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, quyết định hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế (theo cơ chế thị trường) đồng thời cũng tác động đến hình thành môi trường cạnh tranh lành mạnh, tiền đề để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. 3 trọng tâm (DNNN, Đầu tư công, tổ chức tín dụng-TCTD): Mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành trong năm 2019 nhưng chưa đạt được do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Do đó, cần phải hoàn thành trong giai đoạn 201-2025, sẽ tác động đến phát triển thị trường các yếu tố sản xuất ngoài thị trường tài chính, thị trường lao động thị trường KHCN thì thị trường quyền dụng đất cũng sẽ được xem xét trong Kế hoạch nhưng không thảo luận ở Tọa đàm này. 

 TS.Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Nghiên cứu KT ngành và các lĩnh vực, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Giám đốc Trường đào tạo BIDV trong bài tham luận " Cơ cấu lại các tổ chức và phát triển thị trường tài chính giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030" nhấn mạnh: Cơ cấu lại nền kinh tế là một quá trình phức tạp, tốn kém, lâu dài; Các lĩnh vực cơ cấu lại cần được thực hiện đồng bộ, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và lựa chọn, thực thi các độ phát chiến lược và khẳng định: nhất quán thực thi hiệu quả mới là quan trọng; Sơ kết, đánh giá, điều chỉnh kịp thời và phù hợp là cần thiết.

Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Giám đốc Trường đào tạo BIDV 

Theo ông Lực, cần lưu ý một số vấn đề cần đối với cơ cấu lại hệ thống các TCTC giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Cụ thể: Đánh giá, xác định nhu cầu cơ cấu lại. Tiếp tục thực hiện quyết định số 986 về chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030; Quyết định số 242 về cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm; Chiến lược tài chính toàn diện; đề án thanh toán không tiền mặt (sửa đổi)…v.v. Hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính: sửa đổi luật NHNN, luật các TCTD, luật BHTG, cùng với việc thực hiện Luật chứng khoán (2019), luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), củng cố tổ chức tài chính phi ngân hàng; khung pháp lý cho mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, chia sẻ/lưu trữ dữ liệu..). Luật hóa Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu. Thúc đẩy thành lập thị trường mua – bán nợ…v.v. Tín dụng chính sách (tách bạch rõ hơn đối với tín dụng thương mại…). Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả của các tổ chức tài chính (nhất là năng lực tài chính), áp dụng chuẩn mực quản trị và Basel 2, 3). Vấn đề giám sát, an toàn hệ thống (tăng tính độc lập của các cơ quan giảm sát); phối hợp chính sách; hạ tầng và môi trường thanh toán. Quyền lợi người tiêu dùng (khách hàng) và giáo dục tài chính. Thực hiện cam kết hội nhập quốc tế (CPTPP, EVFTA, RECP…v.v).

Diễn giả Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội nêu quan điểm phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030: Trong 10 năm tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng tăng, công nghệ sản xuất thay đổi nhanh và các tiêu chuẩn lao động đòi hỏi phải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng các thông lệ quốc tế (tiêu chuẩn lao động của ILO). Mặt khác, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh (Covid-19). Bối cảnh này mang lại cả cơ hội và thách thức để phát triển thị trường lao động.

Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Ngoài ra, cần định hướng nhiệm vụ và có giải pháp một cách khoa học như: Hoàn thiện quy hoạch hệ thống cơ sở GDNN và tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo, làm cơ sở xây dựng một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Hoàn thiện thiết chế QHLĐ và việc làm. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động đặc thù. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và bảo hiểm thất nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Tổng kết thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có cơ sở hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động; phê duyệt các Công ước, Khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế về lao động theo lộ trình phù hợp; tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị lao động, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và thị trường lao động trên cơ sở ứng dụng công nghệ vào quản lý và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ đưa ra mục tiêu chung cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030 là Tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao vai trò kiến tạo thị trường của nhà nước, hỗ trợ và thúc đẩy các chủ thể liên quan tham gia vào các hoạt động của thị trường và liên thông thị trường KH&CN trong nước với các thị trường KH&CN khu vực và thế giới.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ

Theo ông, cần có 06 Phương hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030. Cụ thể: Thứ nhất, Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0. Thứ hai, Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN. Thứ ba, Thúc đẩy phát triển nhu cầu hàng hoá KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp. Thứ tư, Thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN. Thứ năm, Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN. Thứ sáu, Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa hoc và thực tiễn cho phát triển thi trường KH&CN.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030 cần có những giải pháp tối ưu như: Thúc đẩy nhu cầu và nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các DN; Phát triển hệ thống hạ tầng của thị trường và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN trong nước và Quốc tế; Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy gia tăng gia tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 


Tin tức khác