Đổi mới quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế
Nghiên cứu

Đổi mới quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế

16/03/2005 - 6932 lượt xem

Đề tài khoa học cấp bộ "Đổi mới quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế"

Đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng thống nhất không phân biệt thành phần kinh tế; xác định các nội dung chính của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp giúp hình thành nội dung và cơ chế quản lý nhà nước chung thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp. Ngoài mở đầu và kết luận, đề tài gồm 3 chương với các nội dung như sau:

Chương I: Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước và quản lý nhà nước thống nhất đối với các loại hình doanh nghiệp. Chương này tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận như: các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam xét từ đặc điểm pháp lý và sở hữu có ảnh hưởng đến quản lý nhà nước; quan niệm về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp khi chuyển sang nền kinh tế thị trường; quan niệm, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước thống nhất không phân biệt thành phần kinh tế; vai trò của Nhà nước, mục tiêu và nguyên tắc xác định nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý nhà nước thống nhất không phân biệt thành phần kinh tế; phân biệt quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; một số kinh nghiệm quản lý của nước ngoài.

Chương II: Thực trạng quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Chương này tập trung phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế trên các khía cạnh: khung pháp lý của các doanh nghiệp; bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; việc tách bạch chức năng quản lý của chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước... Phân tích tại chương này cho biết quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đã có những đổi mới trong thời gian gần đây, như: bước đầu chuyển từ tư duy “cai trị” xin-cho là chủ đạo sang tư duy tìm kiếm công cụ quản lý thay thế; điều chỉnh dần từ phương pháp hành chính-mệnh lệnh sang quản lý bằng pháp luật và các công cụ khác như cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Tuy nhiên, xét về quản lý thống nhất, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Đề tài đi sâu phân tích mặt được và những tồn tại, hạn chế nhìn từ góc độ quản lý thống nhất và không phân biệt về khung pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tách bạch chức năng và bộ máy quản lý của chủ sở hữu, quản lý các lĩnh vực liên quan đến vòng đời của doanh nghiệp (thành lập, đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp, về cơ chế, chính sách của Nhà nước...).

Chương III: Một số giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quản lý nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệpở Việt Nam theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế. Chương này đề xuất quan điểm, mục tiêu đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; tập trung phân tích, đề xuất 6 nhóm giải pháp (gồm các nội dung quản lý nhà nước cần thể chế hoá; hoàn thiện khung khổ pháp luật; bảo đảm hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước; giải pháp về cơ chế, chính sách; tách bạch quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp).

Báo cáo của đề tài được lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.


Tin tức khác