Cơ sở khoa học cho việc định hướng chính sách và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Đề tài NCKH cấp nhà nước

Cơ sở khoa học cho việc định hướng chính sách và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

16/03/2010 - 3708 lượt xem

Sau gần 2 thập kỷ thực hiện Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận và hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đọan phát triển mới-giai đoạn phát huy nội lực vừa đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc hội nhập kinh tế quốc tế và trở thành thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải có những biện pháp tích cực hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vì đó là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thực hiện có hiệu quả công cuộc CNH-HĐH.

Đối với Việt Nam, một nền kinh tế trong khỏang thời gian dài đã chịu ảnh hưởng của mô hình kinh tế đóng cửa, việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sẽ là một thách thức vô cùng lớn. Thứ nhất, làm thế nào để chuyển một nền kinh tế có mức độ độc quyền cao, cạnh tranh yếu sang một nền kinh tế mà ở đó cạnh tranh trở thành động lực tăng trưởng. Thứ hai, làm thế nào để có thể duy trì được sự cân bằng có hiệu quả giữa một bên là tăng cường cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế và bên kia là bảo hộ một số ngành, khu vực kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp non trẻ, trong giai đọan đầu của thời kỳ hội nhập. Để vượt qua những thách thức này, trong hơn một thập kỷ vừa qua, đã có nhiều cơ chế chính sách được xây dựng, thử nghiệm và đưa vào áp dụng nhằm nâng cao sức mạnh cho các ngành, các đơn vị kinh tế Việt Nam. Chính nhờ các chính sách này mà nền kinh tế trở nên năng động hơn, hiệu quả hơn so với trước thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, thành tựu đạt được trong những năm qua thực chất mới chỉ là kết quả của những biện pháp mang tính “cởi trói”, chưa phát huy hết các tiềm lực của mình trong quá trình hội nhập. Do đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang ở trong các thứ bậc nhất nhất của các thang xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để tìm ra biện pháp vượt qua những thử thách này, ngoài việc tìm hiểu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực cạnh tranh, đề tài còn tập trung nghiên cứu, rà soát, phân tích và đánh giá các chính sách có liên quan được thực thi trong thời gian qua ở Việt Nam và từ đó làm cơ sở để tìm kiếm, xây dựng và khuyến nghị thực hiện các chính sách, chiến lược hợp lý, có hiệu quả nhằm đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh với nền kinh tế ở các quốc gia khác trong bối cảnh hợp tác và hội nhập ngày càng lớn mạnh như hiện nay. Nội dung các chính sách phải hướng đến (trong phần kiến nghị): đảm bảo quyền tự chủ của người sản xuất và người tiêu dùng; tạo điều kiện cho việc dịch chuyển nguồn lực đến những nơi có hiệu quả cao nhất; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể phản ứng linh hoạt đối với những biến động của thị trường và tiến bộ khoa học công nghệ; thúc đẩy đổi mới (công nghệ, sản phẩm, kênh tiêu thụ và sản xuất); đảm bảo năng lực cạnh tranh lâu bền và phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và các cam kết quốc tế đã ký.


Tin tức khác