Diễn đàn "Cải cách kinh tế Việt Nam - Trung Quốc"
Hội nghị hội thảo

Diễn đàn "Cải cách kinh tế Việt Nam - Trung Quốc"

14/05/2004 - 3071 lượt xem

Theo tiến sĩ Ba Shusong, Viện Phó Viện nghiên cứu tài chính Trung Quốc, tài chính là một trong những lĩnh vực năng động nhất nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất. Một số ngành đầu tư tăng quá nhanh khiến Chính phủ lo ngại một cuộc khủng hoảng sản xuất thừa và giảm phát sắp xảy ra.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực trạng cung lệch cầu trên đang xảy ra với nhiều ngành ở Việt Nam, chỉ trong vòng 2 năm (2000-2002), công suất của ngành sản xuất thép đã tăng thêm 2 triệu tấn.

Một vấn đề khác được các đại biểu thảo luận khá kỹ là vấn đề đầu tư không hiệu quả của chính quyền địa phương dưới áp lực lấy thành tích. Năm 2003, các dự án đầu tư của chính quyền địa phương ở Trung Quốc tăng 40% nhưng do không có đủ nguồn vốn nên tiền phí dự án chưa thanh toán lên tới 300 tỷ nhân dân tệ. Với Việt Nam, khoản nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản lên đến 11.000 tỷ đồng đang khiến các chủ nợ, con nợ và cả nhà quản lý đau đầu. Tìm một biện pháp khả thi giải quyết vấn đề này đã được bàn thảo nhiều song chưa có giải pháp hữu hiệu.

Bài học về hoạt động của các ngân hàng thu hút quan tâm của rất nhiều đại biểu. Đánh giá của Viện Nghiên cứu tài chính Trung Quốc cho thấy các ngân hàng đại lục tương đối yếu kém trong việc xem xét các khoản cho vay, thiếu khả năng phân tích toàn diện rủi ro của một số ngành. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm tra tín dụng trong các ngành như thép, nhôm, xi măng và phải đảm bảo nhu cầu đầu tư hợp lý của những ngành như than, điện, dầu mỏ và giao thông vận tải; thiết lập hệ thống cảnh báo về rủi ro tín dụng trong những ngành then chốt như thép, ôtô, điện, bất động sản..., Đối chiếu với hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khả năng thẩm định dự án cần được chú trọng hơn. Hiện nay, việc phân định giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại còn nhiều bất cập. Các ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động để cho vay dự án của Chính phủ, cho vay ưu đãi các đối tượng chính sách. Do đó, đôi khi họ gặp khó khăn trong thu hồi nợ do ngân sách không có khả năng bố trí vốn thanh toán đúng hạn. Cho vay ngoại tệ đối với các dự án sản xuất xi măng, phân bón, thủy điện... gây rủi ro về ngoại hối và tỷ giá đối với nhà đầu tư, rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng...

Những chủ đề về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo đòn bẩy trên thị trường chứng khoán,... cũng được các đại biểu tranh luận nhiều. Những vấn đề này sẽ được các chuyên gia kinh tế chuyển đến quốc hội, chính phủ hai nước xem xét.

Nguồn: Vnexpress.net, ngày 14/5/2004


Tin tức khác