Một số giải pháp thúc đẩy Chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới
Tin tức sự kiện hoạt động của Viện

Một số giải pháp thúc đẩy Chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới

22/04/2022 - 11656 lượt xem

 

TS. Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP (Nghị quyết 54) về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Để làm rõ hơn về các chương trình hành động cụ thể mà Nghị quyết chỉ ra cũng như các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài viết về nội dung này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Dự thảo: “Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết). Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần bám sát nội dung Nghị quyết của Quốc hội đồng thời được thiết kế nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn trước tại Việt Nam, đặc biệt về mặt tổ chức thực hiện. Trong quá trình xây dựng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã trình Lãnh đạo Bộ xem xét ban hành Công văn số 285/BKHĐT-QLKTTW ngày 14/01/2022 gửi các bộ, ngành và địa phương có liên quan đề nghị cho ý kiến góp ý. Ngày 08/2/2022, Viện đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Tờ trình số 771/TTr-BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến. Thực hiện nhiệm vụ, ngày 25/3/2022, Viện đã trình Lãnh đạo Bộ ký duyệt Công văn số 1907/BKHĐT-QLKTTW gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ vào Dự thảo Nghị quyết Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và ký duyệt ban hành Nghị quyết.

Ảnh minh họa 

Ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết

Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2011/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được ban hành nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tại Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nghị quyết cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được nêu ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về các mục tiêu và nội dung chủ yếu của Nghị quyết

Nghị quyết đặt ra mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Nghị quyết đã đưa ra 30 chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, 5 nhóm giải pháp trọng tâm với 217 nhiệm vụ chi tiết và 102 đề án, dự án, chương trình cụ thể cần ban hành trong giai đoạn 2022 - 2025. Các nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các cơ quan, bộ, ngành kèm theo thời hạn hoàn thành cụ thể để giao trách nhiệm rõ ràng đồng thời để theo dõi, giám sát và đánh giá. Việc phân công các cơ quan theo nội dung của từng nhiệm vụ cũng đảm bảo khả năng triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đưa ra.

5 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện

Theo Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh, cần thực hiện năm nhóm giải pháp lớn với nhiệm vụ của từng bộ, ngành như sau: 

Nhóm nhiệm vụ 1 gồm 42 nhiệm vụ cụ thể nhằm tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập.

 Nhóm nhiệm vụ 2 gồm 59 nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển các loại thị trường (tài chính, đất đai,  lao động, khoa học công nghệ) và nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhóm nhiệm vụ 3 gồm 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Nhóm nhiệm vụ 4 gồm 20 nhiệm vụ chi tiết nhằm phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Nhóm nhiệm vụ 5 gồm 63 nhiệm vụ cụ thể nhằm cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Về tổ chức thực hiện

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao chỉ đạo đưa ngay những nhiệm vụ phù hợp của Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV và Nghị quyết này của Chính phủ vào nội dung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025; xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này của Chính phủ; đồng thời chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Đồng thời, Nghị quyết đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động; bám sát các nội dung liên quan trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội để thực hiện việc báo cáo theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi