Hội thảo công bố Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013”
Tin tức

Hội thảo công bố Báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013”

04/11/2014 - 2990 lượt xem

Hội thảo do Viện trưởng Nguyễn Đình Cung chủ trì, với sự tham gia của ngài Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam – ông John Niesel, các giáo sư tại Đại học Copenhagen – Đan Mạch, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và TS. Lê Đăng Doanh, cùng đông đảo đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và báo giới.

Ảnh: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW và ông John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam

Tại buổi Hội thảo, GS. Finn Tarp và GS. John Rand đến từ Đại học Copenhagen đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày một số kết quả rút ra từ cuộc điều tra năm 2013. Trong những nội dung được đề cập trong báo cáo, các giáo sư tập trung trình bày kết quả khảo sát về các vấn đề (i) tỷ lệ sống sót/ tồn tại và sắc xuất rút khỏi thị trường/ đóng cửa của doanh nghiệp, (ii) tình trạng doanh nghiệp tồn tại dưới dạng phi chính thức, và (iii) năng suất lao động của doanh nghiệp, từ đó phân tích hàm ý của những chỉ số thu được và đưa ra gợi ý chính sách.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Kết quả điều tra trên 2.500 DNNVV cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh hiện tại của khoảng 70% DN. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam về tổng thể chậm được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước (công bố vào các năm 2005, 2007, 2009 và 2011).

Kết quả điều tra cũng ghi nhận số lượng DN mới gia nhập thị trường chỉ chiếm 1% tổng số DN được điều tra nhưng có tới 18% trong gần 2.500 DN được điều tra năm 2011 đã ngừng kinh doanh. Nếu xét ở quy mô DN thì tỷ lệ DN có quy mô vừa ngừng sản xuất, kinh doanh thấp hơn so với những DN nhỏ và siêu nhỏ (trong khi số DN loại này chiếm tới 80% số DN thành lập mới). Nguyên nhân chính của việc nhiều DN tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn này là thiếu cầu, trong khi số DN ngừng hoạt động do sức ép cạnh tranh và hạn chế nguồn lực có tỷ lệ thấp hơn và những DN này có xu hướng chuyển sang ngành sản xuất khác.

Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến DN. Tỷ lệ DN có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011, như một cách đối phó với cơ quan thuế cũng như kết nối với dịch vụ công.

Khoảng 40% số DN được điều tra gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nên không tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức vay, 1/3 trong số này thiếu tài sản thế chấp để vay vốn.
Trong khi cầu tín dụng phi chính thức tăng 5% so với năm 2011, chứng tỏ các khoản vay này mặc dù có giá trị nhỏ nhưng là một cấu thành thường xuyên trong cơ chế tài chính của các DNNVV hiện nay.

Đáng lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại dưới dạng phi chính thức còn cao, có rất ít doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển thành những doanh nghiệp lớn hơn, tốc đột tạo việc làm của các doanh nghiệp được điều tra giảm trong khi năng suất lao động và nhu cầu đầu tư đều không tăng. Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu cảnh báo đây là dấu hiệu rất đáng ngại của nền kinh tế. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ không có lòng tin vào tương lai phát triển của chính doanh nghiệp mình nói riêng và vào thể chế kinh tế nói chung, trong khi họ là lực lượng đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế trong nước.

Báo cáo nhận xét, kết quả điều tra “phản ánh những thách thức cấu trúc cơ bản cần phải được giải quyết thông qua một loạt các chính sách mới và một chiến lược phát triển mới”.

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và TS. Lê Đăng Doanh đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu cũng như đóng góp của nghiên cứu đối với công cuộc cải cách kinh tế tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng bên cạnh những nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, cần phải nhìn nhận những nguyên nhân từ nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung đưa một câu hỏi mà ông đã trăn trở từ nhiều năm: Tại sao doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam “không thể lớn”?, và nhận định: “Chừng nào thể chế kinh tế thị trường vẫn còn méo mó thì doanh nghiệp còn có xu hướng hoạt động theo hướng “không chính thức”, “ngoài chuẩn mực” và sự phát triển của doanh nghiệp sẽ vẫn có giới hạn, ngược lại nếu doanh nghiệp có thể hoạt động theo các quy tắc của kinh tế thị trường thì không có giới hạn nào cho sự phát triển”. Do đó, vấn đề đặt ra là phải thúc đẩy cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ khi nào những vấn đề nền tảng trong thể chế kinh tế được giải quyết thì doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung mới có đủ năng lực để vượt qua những thách thức khi hội nhập cạnh tranh quốc tế và nắm bắt được những cơ hội mà các hiệp định kinh tế và thương mại quốc tế mang lại.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng câu chuyện về doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam gắn bó mật thiết với các vấn đề nền tảng của kinh tế thị trường. Do đó, CIEM sẽ tiếp tục đào sâu và phát triển các vấn đề Nghiên cứu đã đặt ra để từng bước góp phần giải quyết những vướng mắc trong quá trình cải cách và tái cấu trúc kinh tế Việt Nam.

Tài liệu Hội thảo xem file đính kèm hoặc tham khảo tại Thư viện CIEM./.

Tệp đính kèm:
 
Nguồn: Trung tâm Thông tin Tư liệu - CIEM

 


Tin tức khác