Diễn đàn "Động lực tăng trưởng năng suất đến năm 2030"
Đào tạo tiến sĩ

Diễn đàn "Động lực tăng trưởng năng suất đến năm 2030"

21/02/2025 - 253 lượt xem

Ngày 19 tháng 02 năm 2025 tại Thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Chương trình Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững được tài trợ bởi Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD), tổ chức Diễn đàn “Động lực thúc đẩy tăng trưởng năng suất đến năm 2030”. Diễn đàn là một sự kiện quan trọng để trao đổi, thảo luận và tìm kiếm các động lực thúc đẩy tăng trưởng, đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, vượt bẫy thu nhập trung bình và đạt mục tiêu đặt ra “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có đại diện cơ quan tài trợ (SECO, NORAD), đại diện các bộ, ngành ở Trung ương; các sở, ngành, cơ quan đại diện ở Đà Nẵng; các tổ chức có liên quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia kinh tế.

TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh Việt Nam đã vượt qua nhiều biến động trong năm 2024, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, Chính phủ đặt trọng tâm vào nâng cao năng suất lao động thông qua cải thiện thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng và ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn, CIEM đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về nhận diện nhân tố tác động đến năng suất lao động (NSLĐ) của doanh nghiệp ở cấp ngành tại một số địa phương. Theo đó, đối với doanh nghiệp, các nhân tố đóng vai trò quan trọng bao gồm: mức độ trang bị vốn giúp đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, cải thiện công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và tối ưu hóa quy trình sản xuất; và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh). Đồng thời, các nhân tố bên ngoài như cơ sở hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng số), chất lượng môi trường kinh doanh ở các cấp cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Để tạo thuận lợi cho thúc đẩy NSLĐ, Chính phủ cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là nền tảng và lưu tâm đến cải cách thể chế, trong đó xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý mới để bắt kịp các xu hướng mới nổi gần đây.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam

Các trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn cho thấy cách tiếp cận hệ sinh thái năng suất không chỉ bao gồm các yếu tố riêng lẻ mà là một tập hợp các yếu tố có mối quan hệ tác động lẫn nhau nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất một cách bền vững với các chủ thể:

Chính phủ - Nhạc trưởng trong tạo việc tạo môi trường thuận lợi

Doanh nghiệp – Động lực chính của hệ sinh thái năng suất

Người lao động – Chủ thể quyết định trong hệ sinh thái năng suất

Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Đà Nẵng đã chia sẻ các yếu tố nền tảng của tăng trưởng năng suất tại Đà Nẵng - cực tăng trưởng ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến chuyển đố số, sử dụng dữ liệu số và kết nối số để đơn giản hóa, tự động hóa và tối ưu hóa vận hành, tạo ra tăng trưởng đột phá cho nền kinh tế địa phương.

TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Nghiên cứu ngành và các lĩnh vực (CIEM) cùng các chuyên gia

Tại phiên chia sẻ về kinh nghiệm thúc đẩy hệ sinh thái năng suất, các đại biểu đã chia sẻ bài học thành công và thất bại tại một số quốc gia trên thế giới và một số ngành tại Việt Nam. Đối với trường hợp phân ngành chế biến gỗ và máy móc thiết bị, kết quả từ nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành máy móc thiết bị chú trọng phát triển sản xuất theo chiều sâu hơn so với ngành chế biến gỗ, trong đó, các doanh nghiệp tập trung nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới khoa học công nghệ để gia tăng năng suất và giá trị gia tăng trong ngành sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và những thách thức từ chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh, việc cải thiện NSLĐ sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Các giải pháp đề xuất trong báo cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của từng ngành, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội trong tương lai./

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin, kinh tế  - xã hội

 


Tin tức khác