Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”
Hoạt động

Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”

20/12/2024 - 491 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), ngày 20/12/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, đại diện các Bộ ngành, các cán bộ nghiên cứu và cơ quan truyền thông đến đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: thế giới đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc và nhanh chóng trên nhiều phương diện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao đang có những chuyển biến nhanh chưa từng có tiền tệ. Theo đó, cuộc cách mạng này đang có những tác động nhanh, sâu rộng trên mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong khi đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, trong đó có những điều kiện thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên thiên nhiên truyền thống, và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Những xu hướng, tác động trên đây còn phức tạp và khó lường hơn trong bối cảnh gia tăng xung đột địa chính trị và cạnh tranh chiến lược. Theo đó, mô hình phát triển mới đòi hỏi phải xác định được các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh tĩnh và lợi thế cạnh tranh động (tức là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn), đồng thời cũng phải gắn với cải thiện đồng thời cả năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là một xu hướng lớn và vẫn hạn chế việc sử dụng các công cụ chính sách thương mại truyền thống để bảo hộ cho nhập khẩu, song đây cũng là một “sức ép tích cực” để chính sách công nghiệp của các quốc gia phải có sự điều chỉnh cả về nội dung và phương thức thực hiện. Theo đó, chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong những thập niên vừa qua. Việt Nam đã có tên trên bản đồ quốc tế của chuỗi sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp, trong đó có điện tử, dệt may, da giày,... Tư duy chính sách đối với phát triển công nghiệp đã liên tục được hoàn thiện, thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hay Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Tư duy phát triển, hiện đại hóa các ngành công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong nhiều văn bản chính sách khác, chẳng hạn như Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn,... Dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề trong phát triển công nghiệp, trong đó có năng suất lao động còn khiêm tốn, hay năng lực thích ứng với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của khu vực công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong nhiều năm qua, với vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cá nhân tôi luôn “đau đáu” về yêu cầu hoàn thiện chính sách công nghiệp quốc gia. Chúng tôi đã có nhiều nghiên cứu, tham mưu quan trọng về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là các hiệp định thương mại tự do. Song chúng tôi luôn nhìn nhận một yêu cầu “sống còn” để thực hiện hiệu quả các FTA chính là phải có các “sản phẩm của Việt Nam” để đưa ra thị trường thế giới. Chúng tôi đã tham mưu ban hành Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các Kế hoạch hành động phát triển của 6 ngành trong Chiến lược này và trực tiếp điều phối, theo dõi Chiến lược trong giai đoạn 2011-2015. Mới đây nhất, chúng tôi đã tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nhiều nội dung tham mưu khác, chúng tôi cũng luôn đề cao tư duy và cụ thể hóa phát triển các ngành chiến lược, quan trọng của đất nước.

Những xu hướng mới đòi hỏi chính sách công nghiệp của Việt Nam cũng phải có sự thích ứng. Trong số đó, thích ứng với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết. Từ thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đề xuất thực hiện nghiên cứu “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”. Chúng tôi tin rằng những kết quả trao đổi ngày hôm nay sẽ giúp gợi mở tư duy về chính sách công nghiệp mới, kiến nghị nhiều nội dung để hoàn thiện chính sách công nghiệp, để nền kinh tế tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiếp đó, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu của Báo cáo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam” với  ba mục tiêu chính: (i) Phân tích cơ sở lý luận và các xu hướng chính sách công nghiệp quốc gia trên thế giới; (ii) Đánh giá mức độ thích ứng với các xu hướng mới của chính sách công nghiệp tại Việt Nam; và (iii) Đề xuất tầm nhìn mới và các khuyến nghị chính sách nhằm phát triển công nghiệp quốc gia bền vững và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số sẽ tạo nền tảng đột phá cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh, gắn với động lực cho doanh nghiệp khai thác giá trị từ các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo  cũng là một hướng đi quan trọng để chuyển đổi khu vực công nghiệp theo hướng “xanh hóa”, “hiện đại hóa”. Theo đó, Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các hiệp định thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.

Ngoài ra, Báo cáo cũng phân tích các định hướng, yêu cầu chính sách công nghiệp nhằm tháo gỡ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động. Các khuyến nghị tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước kết nối hiệu quả vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo đó, kiến nghị về tăng cường liên kết thực chất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, từ đó hình thành hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu đã được đưa ra. Những đóng góp này khẳng định giá trị ứng dụng thực tiễn cao của báo cáo trong việc định hình chiến lược công nghiệp quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp hiện đại và bền vững.

Tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh chia sẻ về vấn đề địa chính trị trên thế giới tác động tới chính sách công nghiệp quốc gia. Việt Nam cần kết hợp đột phá trong chuyển đổi số và cũng cần bắt kịp phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng; cần phát triển công nghiệp để thúc đẩy hiệu quả năng suất lao động; xác định một số lĩnh vực cốt lõi để đẩy mạnh phát triển chính sách công nghiệp (công nghiệp bán dẫn, AI, công nghiệp hỗ trợ, FDI, v.v).

Theo PGS. TS. Lê Xuân Đình, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số vấn đề cần lưu ý nhằm thúc đẩy chính sách công nghiệp quốc gia là: xu hướng toàn cầu hóa; vấn đề bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu khi sản xuất nhiều nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; chính sách công nghiệp quốc gia cần xác định cốt lõi là công nghiệp chế tạo hay công nghiệp không khói v.v.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Viện trưởng CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh gửi lời cảm ơn tới Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ CIEM thực hiện nghiên cứu, cảm ơn các ý kiến quý báu của các chuyên gia, đại biểu đã đóng góp tại Hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để CIEM tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi  nhằm  hoàn thiện Báo cáo, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách công nghiệp quốc gia trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội


 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi