Khu thương mại tự do: Từ mô hình thế giới đến kinh nghiệm cho Đà Nẵng
TIN TỨC - SỰ KIỆN

Khu thương mại tự do: Từ mô hình thế giới đến kinh nghiệm cho Đà Nẵng

14/11/2024 - 784 lượt xem

Trình bày tại Diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 14/11, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và Cách mạng Công nghiệp 4.0 tiếp tục mang lại những thay đổi vượt bậc, mô hình khu thương mại tự do đã chứng minh vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu

Khu thương mại tự do không chỉ là cầu nối thương mại và đầu tư quốc tế mà còn là động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm và gia tăng xuất khẩu. Với nhiều quốc gia, khu thương mại tự do là công cụ chiến lược để gia tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nằm ở vị trí trung tâm miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển thành một khu thương mại tự do tiên phong, tạo động lực mạnh mẽ cho ngành logistics và kinh tế khu vực.

"Đặc biệt, vị trí chiến lược của Đà Nẵng với hệ thống cảng biển và giao thông thuận lợi giúp kết nối dễ dàng với các khu vực kinh tế trọng điểm khác, không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng giúp Đà Nẵng thu hút các nhà đầu tư, tận dụng tối đa tiềm năng thương mại và logistics", TS. Trần Thị Hồng Minh cho hay.

Kinh nghiệm cho Đà Nẵng nhìn từ thế giới

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, đến nay, khu thương mại tự do đã trở thành động lực của thương mại toàn cầu, với hơn 3.500 khu vực tại 135 quốc gia. Những mô hình khu thương mại tự do thành công tại Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc, và UAE cho thấy rằng khi được quản lý và khai thác hiệu quả, khu thương mại tự do không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn thu hút đầu tư quốc tế, góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng cho địa phương.

Đơn cử tại Đức, các khu thương mại tự do đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống logistics liên vùng. Cảng Hamburg, một khu thương mại tự do thành công tại châu Âu, có kết nối chặt chẽ với hệ thống đường sắt và đường bộ xuyên quốc gia, giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Hệ thống quản lý kho bãi và vận hành tại các khu thương mại tự do của Đức đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như IoT và AI, tạo nên hệ sinh thái logistics hiệu quả. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà Đà Nẵng có thể học hỏi để phát triển hệ thống logistics liên kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, từ đó tối ưu hóa luồng vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Diễn đàn Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

TS. Trần Thị Hồng Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tại Hà Lan, khu thương mại tự do tại cảng Rotterdam là một minh chứng về phát triển logistics bền vững. Cảng này tiên phong trong áp dụng các biện pháp vận hành xanh, giảm thiểu khí thải và sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động môi trường. Đối với Đà Nẵng, việc thiết lập khu thương mại tự do không chỉ là động lực kinh tế mà còn là cơ hội để áp dụng mô hình logistics bền vững, góp phần hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Tại Singapore, thành công của khu thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua chuyển đổi số trong quản lý logistics. Chính phủ đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường và hoàn tất các thủ tục thương mại điện tử một cách nhanh chóng.

Song song đó, Singapore chú trọng đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành, tạo nên một hệ sinh thái logistics linh hoạt và tiên tiến. Đây là bài học quý giá cho Đà Nẵng trong việc tối ưu hóa công nghệ số tại khu thương mại tự do, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ở Đông Á, Trung Quốc nổi bật với khu thương mại tự do tại Thượng Hải và Thâm Quyến. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông và kho bãi trong các khu thương mại tự do, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư. Thêm vào đó, Trung Quốc còn áp dụng các chính sách thuế ưu đãi và quy trình hải quan linh hoạt để gia tăng lưu chuyển hàng hóa qua biên giới.

Đây là kinh nghiệm đáng giá cho Đà Nẵng trong việc phát triển khu thương mại tự do, đặc biệt là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

Cuối cùng, kinh nghiệm từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với khu thương mại tự do ở Dubai cho thấy lợi thế cạnh tranh vượt trội của các khu thương mại tự do có thể đạt được nhờ đổi mới quy trình và giảm thiểu thủ tục hành chính. Tại UAE, các dịch vụ hải quan được số hóa và tích hợp, giúp rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí cho doanh nghiệp. "Đà Nẵng hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này thông qua việc đơn giản hóa thủ tục thông quan và tích hợp công nghệ thông tin vào quy trình quản lý, từ đó tối ưu hóa luồng hàng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của khu thương mại tự do", Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gợi ý và cho biết thêm, dựa trên các kinh nghiệm quốc tế từ Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng khu thương mại tự do hiệu quả và bền vững. Triển khai công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình logistics sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung, mở rộng kết nối với thị trường toàn cầu, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài tham dự diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng.

Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực tăng trưởng bền vững và hiệu quả, TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất một số chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho khu vực này.

Theo đó, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do.

Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế; phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Ngoài ra, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, và xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cùng với AI để phân tích chuỗi cung ứng, sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể.

"Với sự quyết tâm và đồng lòng của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho Đà Nẵng, mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế cả nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại và logistics quốc tế" TS. Trần Thị Hồng Minh tin tưởng.

 

 

Nguồn: Tạp chí Công Thương


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi