01/11/2024 - 342 lượt xem
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ tư với chủ đề “Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có các nhà lãnh đạo và chuyên gia đại diện một số bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán tại Việt Nam, khối nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông đến đưa tin.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ, Diễn đàn được tổ chức thường niên với mục tiêu là hình thành kênh thông tin để đại diện một số cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia thảo luận, trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, để từ đó có thêm gợi ý chính sách giúp kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn, bền vững hơn. CIEM có thêm thông tin tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế, trong đó có những chính sách mang tính mới và đột phá (như: Đề án phát triển kinh tế ban đêm; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng) và nhiều nội dung đổi mới trong xây dựng khuôn khổ pháp luật cho phát triển kinh tế nói chung, cho khu vực doanh nghiệp nói riêng. Kinh tế thế giới hiện nay và dự báo trong thời gian tới luôn có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hoá và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những những diễn biến khó lường trong những năm vừa qua. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu thế tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Trước bối cảnh mới này, Việt Nam cần những giải pháp để hạn chế những khó khăn, phát huy thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Vì vậy, CIEM và UNDP tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn hôm nay với chủ đề “Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới” để cùng thảo luận, trao đổi làm rõ thực trạng và những cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam
Tiếp đó, trong phần phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách hướng tới tương lai, trong đó, Việt Nam đã xây dựng được những kế hoạch, chiến lược cụ thể để vượt qua thời kỳ đầy thách thức trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới bất ổn, gia tăng và tác động mạnh của biến đổi khí hậu v.v. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng tận dụng cơ hội trong thời gian tới, lấy sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu làm trọng tâm. Bà cũng cho rằng, Việt Nam cần khai thác những khía cạnh mới về kinh tế với các tiêu chuẩn môi trường thương mại mới để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu; mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, nhằm giúp tận dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại toàn cầu và nâng cao hiệu quả, tiến bộ công nghệ của một số ngành công nghiệp chủ lực, cũng như khám phá những cách thức để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nhằm thúc đẩy hiệu suất kinh tế dài hạn của Việt Nam.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn
Mở đầu phần tham luận, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, CIEM trình bày chủ đề “Khái quát tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024 và dự báo triển vọng năm 2025”. Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, bên cạnh những kết quả đạt được như: lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN, khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại còn chậm, các “đầu tàu” kinh tế đang có xu hướng chậm lại (Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, Bình Dương, v.v). Về dự báo xu hướng kinh tế Việt Nam năm 2025 cho thấy, sản xuất, kinh doanh khởi sắc (PMI năm 2024 cao trên 50, cao hơn 2023) tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều; vốn khu vực nhà nước tiếp tục là điểm tựa; vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng (9 tháng năm 2024 có 24,7 tỷ USD, tăng 11,6%); sức mua của người Việt Nam tăng, tuy nhiên tăng không nhiều vì thu nhập của lao động chưa có đột phá; thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại v.v.
Từ phân tích xu hướng năm 2025, một số giải pháp được đưa ra như sau: (i) Về thể chế, tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, cải cách các thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường; (ii) Về nguồn lực cho phát triển, tăng cường huy động vốn tư nhân, giảm lãng phí khu vực công và khu vực tư; (iii) Về hạ tầng cho phát triển, hạ tầng “cứng” (tiếp tục phát triển hạ tầng để tăng kết nối vùng, liên vùng), hạ tầng “mềm” (khoảng 40% hồ sơ cần tiếp nhận trực tuyến, doanh nghiệp số); (iv) Về chính sách hỗ trợ cho phát triển, tập trung vào hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu (khai thác tốt các hiệp định thương mại, giảm rủi ro vận tải đường biển qua vùng xung đột quân sự, phòng vệ thương mại…).
Các diễn giả tham gia Diễn đàn
Trong phần tham luận về “Tận dụng các tiêu chuẩn mới về thương mại môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và phát triển thương mại Việt Nam-EU”, ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham Việt Nam chia sẻ về những thách thức, miễn trừ và tuân thủ cho doanh nghiệp, làm sao để chuẩn bị và hỗ trợ cho các doanh nghiệp/chính quyền địa phương; miễn trừ có thể xảy ra khi người nhập khẩu có thể chứng minh rằng giá carbon đã được trả trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu thì số tiền tương ứng có thể được khấu trừ, các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia đã thực hiện cơ chế định giá carbon tương đương sẽ được miễn CBAM, các nhà nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ nằm dưới ngưỡng nhất định sẽ được miễn CBAM. Các vật liệu/mặt hàng xuất khẩu bổ sung đang được xem xét để đủ điều kiện theo quy định CBAM của EU; các quốc gia khác như Canada, Anh, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc các chính sách BCA tương tự v.v. Ông Stuart Livesey đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam: (i) Việc Việt Nam sớm tuân thủ CBAM sẽ rất quan trọng, không chỉ để tránh thuế quan mà còn mở ra lợi thế tiên phong về tiếp cận thị trường và đầu tư xanh; (ii) Việc sớm liên kết với CBAM có thể định vị các ngành công nghiệp của Việt Nam trở thành tiên phong toàn cầu về sản xuất bền vững và thu hút FDI tập trung vào công nghệ carbon thấp; (iii) Rủi ro của các chính sách carbon rời rạc trên nhiều thị trường khác nhau có thể tạo ra các rào cản phi thuế quan đối với các nhà sản xuất nhỏ hơn, những người có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn carbon khác nhau; (iv) Các ngành công nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư vào sự bền vững ngay từ bây giờ, đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, CIEM
Tiếp đó, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV có bài trình bày về “Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi xanh”, theo bà Thủy, mức độ của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh chưa cao, nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải, chuyển đổi xanh còn hạn chế; chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật phù hợp; còn thiếu nhân sự có chuyên môn. Một số khuyến nghị được bà Thủy đưa ra như: (i) Về pháp lý, rà soát các khung chính sách và pháp lý hiện hành để loại bỏ rào cản của quá trình chuyển đổi, sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh; (ii) Về thị trường carbon, cần sớm vận hành thị trường tín chỉ carbon (bên cạnh sự chuẩn bị pháp lý, hạ tầng thì cần tập trung cả mức độ sẵn sàng của các chủ thể trên sàn); (iii) Về thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan, định kì thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương và nâng cao năng lực nhất là nhóm doanh nghiệp tiên phong các ngành, lĩnh vực trọng tâm; (iv) Về hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ kết nối thị trường, chuyển giao công nghệ, mô hình v.v; (v) Chương trình sáng kiến chuyển đổi xanh, triển khai các chương trình khuyến khích hình thành các giải pháp, sáng kiến gắn với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn v.v.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM điều hành thảo luận bàn tròn
Nhằm nâng cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng suất và tiến bộ công nghệ trong một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, trong phần tham luận với chủ đề “Nâng cao kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng suất và tiến bộ công nghệ trong một số ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam”, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng các bộ ngành, địa phương cần triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết (NQ) của Bộ Chính trị; Nghị quyết, Nghị định (NĐ) của Chính phủ, Quyết định (QĐ) của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành, ứng dụng khoa học công nghệ vào doanh nghiệp như NQ 23-NQ/TW và NQ 124/NQ-CP; NQ 29-NQ/TW và NQ 111/NQ-CP; Nghị quyết 52-NQ/TW và NQ 50/NQ-CP; QĐ 1322/QĐ-TTg; QĐ 36/QĐ-TTg; QĐ 1305/QĐ-TTg v.v. Cơ chế chính sách đặc thù để phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp dân tộc lớn đứng đầu chuỗi giá trị nội địa, chuỗi giá trị toàn cầu với năng suất và khả năng cạnh tranh cao và gia tăng mối liên kết xuôi - ngược của các tập đoàn, doanh nghiệp dân tộc lớn này này với các doanh nghiệp khác trong nước. Chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các ngành công nghiệp chủ lực (CNCL), đặc biệt là các ngành thâm dụng vốn. Cần chú trọng đến việc quản lý và sử dụng tài sản cố định trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Các giải pháp cải thiện hiệu quả (TE, PTE, SE); TFP (TEC, TC, SEC): cải thiện môi trường chính sách, hội nhập quốc tế, ứng phó tốt với các cú sốc từ bên ngoài và các yếu tố nội tại của doanh nghiệp v.v. nhằm tăng năng suất và tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế rất lớn. Cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN), trong đó khuyến khích xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia thúc đẩy năng suất của các ngành CNCL cụ thể thông qua triển khai một số giải pháp về KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào các nội dung của ĐMST như đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới tiếp thị, đổi mới tổ chức v.v. thực hiện có hiệu quả Chiến lược khoa học, công nghệ và ĐMST phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030; tự động hóa, chuyển đổi số, ĐMST; nâng cấp công nghệ theo hướng sản xuất xanh đáp ứng các tiêu chuẩn BAM, EUDR, CCA, FPF, MCA, các sáng kiến xanh, v.v. Đối với các giải pháp cho doanh nghiệp cần xác định mô hình sản xuất phù hợp; hoàn thiện quản trị sản xuất; đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ…
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Trong phần thảo luận bàn tròn được điều hành bởi TS. Lương Văn Khôi với sự tham gia của ông Jonathan London, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam; ông Trần Huy Hoàng, chuyên gia Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Công Thương; ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 và bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng SECOIN, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề như: giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng hiệu quả với CBAM; xuất khẩu bền vững để tăng cường năng lực khoa học công nghệ và năng suất; thích nghi chuyển dịch kinh tế toàn cầu, những rủi ro về hàng rào môi trường đối với ngành công nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi xanh, quản lý carbon trong bối cảnh chuyển dịch toàn cầu; tăng sự thích ứng và ứng phó của nền kinh tế; tăng trưởng bền vững và cân bằng để đáp ứng yêu cầu tuân thủ về tiêu chuẩn môi trường v.v.
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội.
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
Ngày 10/7/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trang trọng tổ chức Lễ Công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Ban. Tham dự buổi lễ có các đồng chí ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, ngày 09/07/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ...
Nhận lời mời của Giáo sư Tetsuya Watanabe, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), TS. Trần Thị Hồng Minh đã tham dự Phiên họp Hội ...
Ngày 05 tháng 01 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng ...