09/07/2024 - 6056 lượt xem
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, ngày 09/07/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các đại diện đến từ các cơ quan ban ngành, viện nghiên cứu và đông đảo đơn vị báo chí, truyền thông đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy những diễn biến thuận lợi và các vấn đề khó khăn, thách thức, song các khó khăn, thách thức là chủ yếu. Một mặt, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, giá không ít hàng hóa trên thị trường thế giới đã suy giảm. Các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ, qua đó có thể tạo ra những đổi thay sâu sắc về kinh tế - xã hội ở nhiều nước. Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất định liên quan đến kịch bản bầu cử và thay đổi chính sách kinh tế ở nhiều nước; xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực (trong đó có Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ); lãi suất điều hành duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến nhằm kiềm chế lạm phát; cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn (đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc); xu hướng gia tăng các quy định về phát triển bền vững và phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc
Trong bối cảnh ấy, khu vực Đông Nam Á đang phục hồi và phát triển kinh tế khá năng động. Khu vực đã trở thành một điểm sáng trong thu hút FDI toàn cầu, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tích cực đa dạng hóa địa điểm đầu tư... Các nước trong khu vực đã tham gia tích cực trong việc đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN với các đối tác, cũng như trong quá trình ký kết các Hiệp định trong Khung khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) trong thời gian gần đây. Trong cuộc họp cách đây hơn 2 tuần tại Jakarta của các Viện trưởng các Viện thành viên của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), các nước ở khu vực đều đang tìm kiếm những chính sách, giải pháp “có chất lượng” để nhanh chóng vượt lên trong tiến trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động và khả năng chống chịu các cú sốc trong bối cảnh đầy biến động.
TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và đạt được những kết quả khá ấn tượng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%. Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký, và vốn thực hiện.
Quan trọng hơn, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng. Bên cạnh 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực hiện hoặc đã hoàn tất ký kết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thúc đẩy FTA với một số đối tác mới.
TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, những kết quả đó rất quan trọng, song chỉ là bước đầu. Là cơ quan nghiên cứu và tham mưu chính sách hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM luôn chú trọng mục tiêu phải làm sâu sắc hơn cải cách thể chế kinh tế. Trên cơ sở tham mưu của CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ khôi phục lại Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh kể từ đầu năm 2024, CIEM đã và đang tích cực nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện khung chính sách, pháp lý để tận dụng cơ hội từ các mô hình kinh tế mới (như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo...).
Theo Viện trưởng CIEM, Hội thảo là dịp để nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và cũng nhìn lại những động lực, khó khăn đối với cải cách thể chế kinh tế hướng tới tăng trưởng kinh tế có chất lượng.
Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày tóm tắt báo cáo cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp. Trong đó, tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm...
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM
Theo đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tính chung cả sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực trong sáu tháng đầu năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Năng suất lao động (NSLĐ) cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả và NSLĐ, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp...
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%). Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu là nhờ đóng góp của vốn đầu tư ở khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là một điểm sáng, với tăng trưởng dương về cả số dự án và vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký (bao gồm vốn tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần), và vốn thực hiện.
Tăng trưởng xuất, nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.
Báo cáo đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Báo cáo đã tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, Báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết, và đưa ra kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
PGS.TS Lê Xuân Bá, Chuyên gia kinh tế ( bên trái)
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (bên phải)
Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao chất lượng và sự công phu của Báo cáo. Hai kịch bản đưa ra đều được phân tích, nghiên cứu tỉ mỉ, công phu và có căn cứ. Việc đưa thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn tại Việt Nam vào Báo cáo để tập trung phân tích, chỉ ra những vấn đề cần giải quyết mang ý nghĩa rất thiết thực để từ đó đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.
Toàn cảnh Hội thảo
Bế mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn những ý kiến đóng góp, những bình luận của các chuyên gia, đại biểu giúp CIEM có thêm các tư liệu, từ đó nghiên cứu xây dựng những kiến nghị, chính sách phù hợp để kinh tế Việt Nam tăng trưởng có chất lượng hơn nữa trong các tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo./.
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)