29/02/2024 - 5944 lượt xem
Sáng ngày 29/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các chuyên gia kinh tế; đại diện các cơ quan, Bộ ngành, viện nghiên cứu; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp. Hội nghị nhằm giới thiệu những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 02/NQ-CP; trao đổi về kết quả và bài học kinh nghiệm trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; thảo luận các vấn đề của doanh nghiệp và những đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai Nghị quyết. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về cải cách thể chế. Nghị quyết nhấn mạnh tập trung ưu tiên thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Môi trường đầu tư kinh doanh (MTKD) là trụ cột quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế phát triển. Với tầm quan trọng như vậy, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Năm 2023, Chính phủ đã gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01 nhằm khẳng định MTKD quan trọng đối với kinh tế - xã hội. Do chỉ là một nhiệm vụ trong các nhiệm vụ chung của Nghị quyết 01, nên mức độ quan tâm và động lực cải cách của các Bộ, ngành địa phương so với thời gian trước chưa cao. Vì vậy, để hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, Chính phủ đã thay đổi cơ chế, chính sách nhằm khơi thông điểm nghẽn cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, tình hình doanh nghiệp có nhiều nét đáng chú ý, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn so với những năm trước, tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2024, thuận lợi và khó khăn tiếp tục đan xen nên nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và phát huy thực chất, củng cố niềm tin, tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ đã khôi phục lại Nghị quyết 02, nhằm tạo động lực, khơi dậy động lực cải cách của các Bộ, ngành, địa phương. Viện trưởng CIEM cho thấy việc khôi phục lại Nghị quyết 02 mang đến thông điệp mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ ưu tiên thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Đại diện nhóm Nghiên cứu của CIEM, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, CIEM trình bày báo cáo “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Báo cáo đưa ra những vấn đề còn tồn tại, những thách thức trong môi trường kinh doanh như rào cản về ngành nghề và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vẫn là trở ngại lớn, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh. Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) cũng chững lại từ 2019 mặc dù nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do. Số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ. Nhưng thực tế thực thi vẫn còn hình thức. Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp. Bất cập về chất lượng quy định pháp luật, rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các phiên họp Chính phủ hằng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách MTKD, rất nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về cải cách MTKD, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC),...Tuy vậy, cải cách MTKD chậm (hoặc không) chuyển biến, thậm chí có lĩnh vực, rào cản nặng nề hơn. Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội cũng phản ánh tình trạng này. Tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, doanh nghiệp chia sẻ vướng mắc, bất cập. Tuy vậy, rất ít khó khăn được giải quyết. Sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn và niềm tin của doanh nghiệp bị sụt giảm.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh
và nâng cao năng lực cạnh tranh, CIEM
Năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: (i) Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; (ii) Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và ĐKKD; (iii) Cải cách hoạt động KTCN đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả NSW; (iv) Nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC: ứng dụng CNTT, liên thông, chia sẻ dữ liệu; (v) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; (vi) Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; (vii) Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều thách thức lớn, để cải thiện MTKD, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp cần khơi dậy động lực và sự đồng hành của nhiều bên. Sự chủ động và trực tiếp chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương là yếu tố quan trọng quyết định thành công. Việc chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ là cần thiết để tạo áp lực thúc đẩy quá trình cải cách. Vai trò theo dõi, giám sát của các bên độc lập, của các Hiệp hội, doanh nghiệp và của cơ quan truyền thông. Cần chia sẻ, đóng góp chủ động, tích cực của doanh nghiệp về kết quả cải cách, các vấn đề tồn tại và kiến nghị.
Các chuyên gia phát biểu tham luận tại Hội nghị
Chia sẻ về kế hoạch cải cách quy định và TTHC thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ông Quách Hào Hiệp, Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục Thuế đã đưa ra ba kế hoạch: (i) Kế hoạch xây dựng dựng văn bản QPPL năm 2024 (Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Thông tư hướng dẫn thi hành Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế; v.v); (ii) Kế hoạch rà soát, đánh giá các TTHC trong lĩnh vực thuế; (iii) Tiếp tục triển khai thực hiện Ngh quyết số 104/NQ- CP ngày 09/10/2017 về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng của Bộ Tài chính.
Theo ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, những đề xuất nhằm hoàn thiện quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) để thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ như: (i) Làm rõ đối tượng có trách nhiệm EPR (nhà sản xuất, nhập khẩu quy định tại khoản này là tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa); (ii) Làm rõ việc xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc là theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu được đưa ra thị trường; (iii) Quy định việc công bố danh sách thuận lợi hơn cho nhà tái chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần trên hệ thống thông tin EPR quốc gia; công bố danh sách các tổ chức đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều này để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn); (iv) Quy định bên được uỷ quyền rõ ràng về vai trò; (v) Tạo thuận lợi trong tái chế; (vi) Đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế; (vii) Doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền một lần vào trước 20/10; (viii) Hệ thống thông tin EPR quốc gia.
TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh kiến nghị tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn ít nhất 2024-2025 trong hỗ trợ về thuế VAT; bổ sung chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân như một số nước đã thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn và nâng cao sức mua của thị trường, kích thích sản xuất, dịch vụ. Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, coi đây là các dự án đầu tư chiều sâu, đầu tư đổi mới công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế. TS. Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết việc làm, từ đó có thu nhập, mở rộng dung lượng thị trường từ đó tạo ra tăng trưởng có tính bao trùm hơn, vì vậy đề nghị bổ sung các gói tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm. Lấy giải quyết việc làm là trọng tâm của các vấn đề ổn định vĩ mô – việc làm – thu nhập lao động – tăng trưởng. Chú trọng khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ hoạt động cải cách MTKD khá tích cực từ phía chính quyền. Từ năm 2021 đến cuối 2023, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 VBQPPL; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 VBQPPL. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn trong thục tục hành chính, ĐKKD đơn giản hơn, nhiều quy định vướng mắc được kịp thời sửa đổi. Tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, thủ tục gây khó cho doanh nghiệp và cấp quản lý như Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi; Nghị định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; Luật Giao dịch điện tử bổ sung ngành nghề “kinh doanh dịch vụ tin cậy” là ngành nghề KDCĐK, trong đó có hoạt động kinh doanh “dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử”; Để xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có đến 03 loại giấy phép; v.v. Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh sự khôi phục Nghị quyết 02/2024/NQ-CP đi cùng với những kỳ vọng của doanh nghiệp là “Chất lượng thực thi” cần đảm bảo kỉ luật, kỉ cương của bộ máy thực thi; cơ chế để giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách độc lập; có cơ chế tạo động lực cho việc thực thi; thúc đẩy các hoạt động tham vấn rộng rãi và thực chất hơn nữa.
Tại phần thảo luận, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề cập việc thực thi Nghị quyết 02 một cách nghiêm túc, tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi CBCC, bộ ngành tận lực hỗ trợ DN, người dân. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cần có chính sách kiểm tra chuyên ngành. Trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể là năng lượng tái tạo cần có cơ chế phù hợp; cần ban hành bộ tiêu chí tính phát thải carbon. Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chia sẻ về những vướng mắc về Thông tư 24/2023/TT-BCA đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Bế mạc Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu; phân công CIEM tiếp tục theo dõi, phân tích, đánh giá khách quan tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP để đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Bước sang năm 2024 với những thách thức, khó khăn vẫn còn hiện diện, Thứ trưởng mong rằng các Bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; phân công trách nhiệm rõ ràng. Đối với các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp chính sách đồng thời, chia sẻ và phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn nhằm tạo sự chuyển biến nhanh trong phục hồi và phát triển kinh tế./.
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội
·
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp ...
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện qua các kỳ đại hội (VIII, X, XI, XII và XIII), với định hướng được xác định rõ ...
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)