CIEM 45 năm tiên phong, sáng tạo vì sự nghiệp phát triển đất nước
Góc nhìn chuyên gia

CIEM 45 năm tiên phong, sáng tạo vì sự nghiệp phát triển đất nước

27/12/2023 - 1030 lượt xem

Kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM có bài trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư về uy tín, thương hiệu của CIEM trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước.

Thưa bà, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của CIEM, có thể khẳng định, những thay đổi lớn trong nền kinh tế đều có dấu ấn vô cùng quan trọng của CIEM. Để nói về những đóng góp nổi bật nhất, bà sẽ nhắc đến những dấu ấn nào?

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Bộ Chính trị đã ra quyết định thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương của Trung ương Đảng và Chính phủ vào năm 1977. Khi đó, đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nền kinh tế. Những khuyết tật của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã bắt đầu bộc lộ rõ nét hơn… Có thể nói, CIEM ra đời do chính nhu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển, với “trọng trách” tham mưu quá trình đổi mới, cải cách để chuyển đổi mô hình kinh tế.

Đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của các thế hệ lãnh đạo, CIEM đã không ngừng đổi mới cả tư duy và cách làm nghiên cứu chính sách, để tham mưu, đóng góp vào những thay đổi lớn của nền kinh tế trong những thập niên qua.

Đầu tiên là nghiên cứu, đề xuất của CIEM về việc cho sản xuất “bung ra” vào năm 1979 và sau đó là các nghiên cứu, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, khi đã xuất hiện một số biểu hiện “xé rào” trong hoạt động kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương; từ đó tạo cơ sở cho các quyết định mang tính bước ngoặt trong quản lý kinh tế là khoán 100, khoán 10 trong nông nghiệp; kế hoạch 3 thành phần, trao quyền tự chủ cho xí nghiệp quốc doanh…

Sau khi nền kinh tế liên tục gặp khó khăn trong việc bảo đảm đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong giai đoạn 2008 - 2011, CIEM đã tham mưu xây dựng Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 và chủ trì xây dựng, cập nhật, theo dõi thực thi các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế các giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025. Đây là một nguyên nhân quan trọng để đất nước duy trì và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện dư địa điều hành chính sách kinh tế, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong 10 năm qua.

Kể từ năm 2020, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, gia tăng các quy định mới ảnh hưởng đến nhập khẩu vào các thị trường chủ chốt, cạnh tranh địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới…, CIEM đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chính sách thúc đẩy các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…, với những tư duy mới để khai thác giá trị kinh tế từ những nguồn lực “phi truyền thống” như thời gian, chất thải từ sản xuất và tiêu dùng

Chính tư duy và cách tham mưu đổi mới kinh tế xuyên suốt những thập niên qua đã định hình CIEM như một hình mẫu tiên phong, sáng tạo, năng động, hội nhập vì sự nghiệp phát triển đất nước.

Có thể thấy, đóng góp nổi bật nhất của CIEM là tham gia thúc đẩy cải cách thể chế, tạo nền tảng pháp lý, tư duy về nền sản xuất tiên tiến hơn…

Ngay từ xuất phát điểm, CIEM đã luôn tâm niệm phải không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn “tận hiến” với tôn chỉ, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các vấn đề CIEM đảm nhận đều là những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, nhưng có tác động kinh tế - xã hội đa chiều, sâu sắc. Chính vì vậy, chúng tôi không thể chỉ dựa vào các minh chứng về lợi ích và chi phí kinh tế đơn thuần, mà còn phải nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp thể chế để chính sách có thể đi vào thực thi sớm, và cả theo dõi tình hình thực thi chính sách.

Một điển hình là đối với chính sách phát triển kinh tế tư nhân, CIEM đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thành Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và các lần sửa đổi sau đó. CIEM cũng có nhiều năm chủ trì Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh sự tin tưởng, khích lệ của các lãnh đạo, những đóng góp của CIEM còn nhờ có sự tin tưởng, đồng hành, hợp tác của các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ nghiên cứu về hội nhập, CIEM còn chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế với các tổ chức, viện nghiên cứu, chuyên gia nước ngoài.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng luôn tìm đến CIEM khi có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các mô hình kinh tế mới, môi trường kinh doanh… Tôi vẫn thường nói “ví” rằng, phòng họp CIEM không cần cửa, vì chúng tôi luôn rộng mở để đón nhận những ý kiến chia sẻ, đóng góp, kiến nghị chính sách của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp. 

Những thành công trong 45 năm qua và những kỳ vọng lớn vào thương hiệu CIEM có phải là thách thức lớn với thế hệ lãnh đạo hiện tại, thưa bà?

Các thế hệ lãnh đạo CIEM đều nỗ lực giữ gìn và phát huy uy tín, thương hiệu CIEM. Đối với tôi và tập thể lãnh đạo CIEM hiện tại, uy tín và thương hiệu ấy là niềm tự hào, là động lực thôi thúc chúng tôi không ngừng vươn lên để làm tốt hơn nữa. Thực tế cho đến nay, chúng tôi tự tin đã kế thừa và phát huy tốt đóng góp vào quá trình cải cách, phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế - vốn là những nội dung thế mạnh, trọng tâm của CIEM trong nhiều thập niên qua.

Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tìm ra thêm những hướng đi mới, trong đó có phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…) và xây dựng Chương trình Quốc gia về tăng năng suất lao động, góp phần tạo thêm những điểm phần trăm quý giá cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và sâu xa hơn là khai thác hiệu quả nguồn lực của đất nước, tận dụng được cơ hội cho phát triển…

Tinh thần ấy cũng sẽ được truyền tải đến đầy đủ các thế hệ cán bộ, nghiên cứu viên, người lao động của CIEM trong tương lai để thương hiệu CIEM tiếp tục gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

 

Nguồn: Báo Đầu tư

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi