Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trao đổi về vai trò của Viện đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước 45 năm qua
Tin tức

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trao đổi về vai trò của Viện đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước 45 năm qua

28/12/2023 - 3236 lượt xem

Sáng ngày 28/12/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trao đổi về vai trò của Viện đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước 45 năm qua.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng CIEM; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI; các đồng chí nguyên Lãnh đạo CIEM; các đồng chí nguyên Lãnh đạo các đơn vị; các Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: cách đây 45 năm, Bộ Chính trị ra Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của Trung ương Đảng và Chính phủ. Ngày 17/4/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI đã phê chuẩn việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ. Kể từ tháng 12/1992, Viện trở thành cơ quan trực thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trong suốt quá trình hoạt động, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn sáng tạo, bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Viện đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Để có được những dấu ấn vẻ vang, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động qua các thời kỳ, Viện nhận được sự chỉ đạo, quan tâm và động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương 

Từ khi thành lập đến nay, thương hiệu CIEM trở nên quen thuộc với các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài quan tâm đến tiến trình cải cách của Việt Nam. Không chỉ tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, Viện không ngừng hoàn thiện để trở thành một cơ quan tham mưu toàn diện, xuyên suốt từ nghiên cứu, tham mưu, thể chế hóa cho đến điều phối thực hiện, theo dõi đánh giá chính sách và các biện pháp cải cách kinh tế. Các đồng chí Viện trưởng CIEM ở các thời kỳ đều là những chuyên gia hàng đầu trong các Hội đồng tư vấn, Tổ Công tác, Tổ chuyên gia của Đảng và Nhà nước, được các cơ quan, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhìn nhận như “tiếng nói của cải cách”.

Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh và các Phó Viện trưởng đón nhận hoa và Bằng khen của Lãnh đạo Bộ

Trong những năm gần đây, khi kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động của CIEM chịu ảnh hưởng không nhỏ do chính sách ứng phó với dịch bệnh COVID-19, chủ trương sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập... Trong bối cảnh ấy, Viện vẫn kiên định vượt qua khó khăn, tiếp tục tiên phong nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chính sách mới có tính đột phá, như: chiến lược cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ,... với những tư duy mới để khai thác thêm giá trị kinh tế từ những nguồn lực “phi truyền thống”. Gần đây nhất, CIEM đã tham mưu cho Bộ và Chính phủ xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023, nhằm góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực của đất nước, tận dụng được cơ hội cho phát triển.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động CIEM đều nỗ lực giữ gìn và phát huy uy tín, thương hiệu CIEM. Đối với tập thể CIEM hiện nay, uy tín và thương hiệu ấy là niềm tự hào, là động lực thôi thúc để Viện không ngừng vươn lên. Chương trình đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng và trao đổi về vai trò của Viện nhằm tiếp tục “truyền lửa” để toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện quyết tâm, đoàn kết, phấn đấu nhiều hơn, để tiếp tục tham mưu và đề xuất những chính sách kinh tế mới cho Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để ghi nhận những đóng góp của CIEM trong suốt 45 năm qua, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Bằng khen và thư chúc mừng Viện. Trong thư, Bộ trưởng nêu: “Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ngày càng trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng đối với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt trong quá trình đổi mới từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách về đổi mới, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực kinh tế. Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện đã thể hiện được bản lĩnh, đoàn kết, kiên trì, sáng tạo, bám sát tình hình thực tế của đất nước, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất nhiều kiến nghị hiệu quả với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu, xây dựng, cụ thể hóa đường lối, chính sách được Đảng và Nhà nước ghi nhận, khen ngợi, biểu dương.

Trong những năm gần đây, Viện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến những vấn đề mới như đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế, các mô hình kinh tế mới, thể chế liên kết vùng, phát triển kinh tế tư nhân.v.v. Những đóng góp này càng có ý nghĩa thiết thực khi đất nước đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn mới như tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu. Với vị trí là một đơn vị lớn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có vai trò quan trọng trong nghiên cứu chính sách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên, trở thành một trong những đơn vị chủ chốt, nòng cốt, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với tất cả những thành tựu đã đạt được, Tôi biểu dương các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Viện đã có những cố gắng, nỗ lực vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Bộ, của đất nước trong suốt 45 năm qua. Hướng tới tương lai, Tôi chúc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo gắn với thực tiễn để nâng tầm đóng góp vào sự nghiệp đổi mới nhằm hiện thực hóa khát vọng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

 

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM đã trình bày tổng quan về quá trình 45 năm xây dựng và phát triển: nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo sâu sắc, trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có những đóng góp đáng tự hào trong quá trình đổi mới và phát triển của đất nước; có thể khái quát những đóng góp nổi bật nhất của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện theo 5 góc độ sau:

Thứ nhất, về nghiên cứu, tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối và chính sách đổi mới và phát triển của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi Viện được thành lập, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã quyết định lập Tiểu ban chuẩn bị Hội nghị Trung ương về quản lý kinh tế do đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Tiểu ban; đồng chí Nguyễn Văn Trân, Viện trưởng đầu tiên được giao làm Thường trực Tiểu ban. Viện được giao xây dựng Đề án “Thực hiện một sự chuyển biến sâu sắc trong tổ chức và quản lý kinh tế”, trong đó xây dựng luận cứ khoa học cho những chủ trương lớn về hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý; hoàn thiện công tác quản lý, đổi mới quản lý kinh tế.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện luôn nhận được chỉ đạo và góp ý trực tiếp từ các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, để xây dựng Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Trung ương khoá IV (1980), Nghị quyết của Bộ Chính trị (1980), Quyết định của Hội đồng Chính phủ (1981), Chỉ thị của Ban Bí thư trung ương (1981), báo cáo chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ V… Đặc biệt, Bộ Chính trị đã giao cho Viện chuẩn bị các đề án về cơ chế quản lý kinh tế với những chủ trương và nội dung cơ bản của “Đổi mới” lần đầu tiên được khẳng định tại Đại hội VI của Đảng. Theo đó, Viện đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan nghiên cứu và cơ sở sản xuất xây dựng các đề án trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh, phát triển kinh tế ngoài quốc doanh, trình Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan cũng như Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng ban hành VBQPPL để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM

Từ đầu những năm 1990 đến nay công tác nghiên cứu, tham mưu của Viện đã được định hình theo hướng gắn với các Đại hội của Đảng và các Hội nghị Trung ương. Những đóng góp của Viện tập trung vào:

  1. Công tác tổng kết, xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn (kỳ đại hội của Đảng);
  2. Nghiên cứu, tham mưu về vấn đề hình thành và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển các loại hình doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh (Cụ thể: Báo cáo tổng kết cơ cấu thành phần kinh tế trình Bộ Chính trị năm 1995; Báo cáo các thành phần kinh tế và kinh tế tư nhân chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ VIII; các phiên bản Luật Doanh nghiệp, các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia; Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân; Kết luận, Nghị quyết về tiếp tục SXĐM, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, v.v.);
  3. Nghiên cứu, tham mưu về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng (Cụ thể: Đề án tổng thể TCC nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; v.v. Gần đây là Đề án Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ đến năm 2030 đã được TTCP phê duyệt tại Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08/11/2023);
  4. Nghiên cứu, tham mưu về phát triển các mô hình kinh tế mới (như Đề án thúc đẩy mô hình KTCS, Đề án phát triển kinh tế ban đêm, Đề án phát triển KTTH, Đề án Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư);
  5. Nghiên cứu, tham mưu về đổi mới kế hoạch hóa, phân cấp quản lý kinh tế, hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, chính sách phát triển vùng, liên kết vùng và khu kinh tế, v.v.

PGS.TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM

Thứ hai, về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ trung, cao cấp, các nhà doanh nghiệp và đào tạo tiến sĩ. Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao cấp, trung cấp của Nhà nước về quản lý kinh tế là một trong những chức năng cơ bản của Viện được quy định ngay từ khi thành lập. Tháng 4 năm 1980, Trường Quản lý kinh tế Trung ương được thành lập và đồng chí Viện trưởng trực tiếp làm Hiệu trưởng nhằm triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý kinh tế. Để gắn công tác nghiên cứu với công tác đào tạo, từ năm 2005 đến nay, Viện được giao chức năng đào tạo trình độ tiến sĩ. Đến nay, đã có 77 người được cấp bằng tiến sĩ kinh tế.

Thứ ba, về hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ khi mới thành lập, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã luôn coi trọng công tác nghiên cứu gắn liền với tổng kết thực tiễn nhằm tạo luận cứ khoa học, thực tiễn cho xây dựng các đề án quản lý kinh tế tham mưu với Đảng và Nhà nước. Ngay những năm đầu hoạt động, khi Nhà nước chưa tổ chức NCKH theo các chương trình và đề tài như hiện nay, Viện đã tự đề ra các đề án NCKH để làm tốt chức năng tham mưu trên cơ sở phát huy năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ của Viện và các cộng tác viên. Đến nay, Viện đã tham gia thực hiện hàng chục đề tài cấp nhà nước, hàng trăm đề tài cấp bộ và cấp cơ sở. Các đề tài nghiên cứu được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng tốt, làm cơ sở cho việc xây dựng nhiều đề án, báo cáo, dự thảo VBQPPL về quản lý kinh tế. Ngoài ra, Viện còn tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề kinh tế, quản lý kinh doanh, các mô hình kinh tế mới.

 

Đồng chí Vũ Xuân Nguyệt Hồng, nguyên Phó Viện trưởng CIEM

Thứ tư, về hoạt động hợp tác quốc tế. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Viện đã sớm mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế. Trong những năm 1980, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, hướng vào các nước XHCN như Liên Xô cũ, CHDC Đức, Bungari, Tiệp Khắc, v.v. Đồng thời, Viện cũng lựa chọn để bắt đầu nghiên cứu kinh nghiệm và thiết lập quan hệ với một số tổ chức ở các nước có điều kiện gần với Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Từ đổi mới đến nay, Viện đã mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế như Chương trình hợp tác phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Điển (SIDA), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), v.v. Đồng thời, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đại diện của Việt Nam tại Hội đồng điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) kể từ khi Viện này được thành lập. Từ năm 2006, Viện cũng là đại diện của Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Ủy ban Kinh tế, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng CIEM

Thứ năm, về hoạt động thông tin kinh tế - xã hội. Hoạt động thông tin kinh tế - xã hội của Viện đã bám sát mục tiêu phục vụ thiết thực và kịp thời cho công tác nghiên cứu của Viện, Bộ, các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, hoạt động này đã không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng. Bên cạnh việc tổ chức cung cấp thông tin theo hình thức truyền thống, Viện đã tăng cường ứng dụng CNTT và xây dựng được nhiều CSDL điện tử; phát triển Cổng thông tin điện tử phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để phản ánh, cập nhật các tin tức, sự kiện cũng như truyền tải các hoạt động, kết quả nghiên cứu chính sách của Viện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI

Với những đóng góp của mình trên chặng đường xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao, tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của TTCP, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KHĐT, v.v. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng vinh dự là một trong 12 tập thể toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước được tôn vinh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có truyền thống lịch sử quý báu, rất đáng tự hào gắn liền với 45 năm xây dựng và phát triển, tạo nên danh tiếng của Viện. Trong bối cảnh hiện nay với nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc lớn và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, Viện đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào thành tích chung của Bộ. Về phía Lãnh đạo Bộ, sẽ luôn tạo điều kiện để Viện phát huy tiếng nói khách quan trong quá trình nghiên cứu, tham mưu chính sách cho Bộ, Chính phủ. Thay mặt cho Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ, biểu dương tất cả những thành tích Viện đã đạt được trong 45 năm qua. Chúc mừng Viện đã được đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng và mong rằng Viện sẽ đạt được những thành tích cao hơn nữa, nhằm tô thắm truyền thống và thành tựu của Viện trong thời gian tới.

Tập thể các thế hệ cán bộ CIEM

Chia sẻ tại Tọa đàm, các đồng chí nguyên Lãnh đạo CIEM đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành quả và vai trò dẫn dắt, phát huy danh tiếng  CIEM của các thế hệ Lãnh đạo Viện trong 45 năm qua. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, tình cảm và tin tưởng vào sự phát triển của CIEM trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng CIEM cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Bộ, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Viện, nguyên lãnh đạo các đơn vị, cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của Viện đã tham dự buổi lễ và trao đổi, chia sẻ về vai trò cũng như những kết quả đạt được của Viện trong suốt 45 năm qua. Đây là dịp để các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động CIEM ôn lại những chặng đường phát triển của Viện, những khó khăn, thách thức mà Viện đã vượt qua và gặt hái được những thành tựu trong quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành đồng thời vững vàng, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời gian tới.

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi