Hội thảo “Thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang kinh tế xanh ở Việt Nam”
Tin tức

Hội thảo “Thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang kinh tế xanh ở Việt Nam”

31/10/2023 - 5338 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), sáng ngày 31/10/2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo  “Thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang kinh tế xanh ở Việt Nam”. TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế Vĩ mô/tăng trưởng Xanh, GIZ đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các đại diện đến từ các cơ quan ban ngành và các cán bộ nghiên cứu kinh tế.

TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình

cải cách Kinh tế Vĩ mô/tăng trưởng Xanh, GIZ

Phát biểu khai mạc, TS Đặng Đức Anh chia sẻ: Kinh tế xanh là xu hướng mới của nền kinh tế trong tương lai, đã và đang thu hút sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu nhờ ảnh hưởng sâu rộng tới phát triển kinh tế - xã hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới việc làm. Việc chuyển sang nền kinh tế xanh một mặt tạo thêm được việc làm mới, đặc biệt là các việc làm xanh trong các ngành nghề mới cũng như chuyển một số việc làm hiện tại sang việc làm xanh, tuy nhiên quá trình này cũng có thể dẫn tới mất việc làm trong một số ngành, nhất là các ngành sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải lớn phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô.

Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược có mục tiêu là “Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu rất cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Tăng trưởng xanh trong những lĩnh vực, ngành nghề như đã nêu trong Chiến lược sẽ tạo ra nhiều việc làm xanh theo lĩnh vực, ngành nghề tương ứng nhưng đồng thời cũng làm mất việc làm trong một số ngành nhất định. Vì vậy, việc nắm bắt các cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi “xanh hóa” có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc làm xanh mới được tạo ra cũng như thúc đẩy chuyển đổi các việc làm hiện tại sang việc làm xanh, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đối với người lao động bị mất việc làm trong quá trình chuyển đổi này.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp đó, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh  tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh, GIZ Việt Nam phát biểu: Thúc đẩy việc làm trong quá trình chuyển sang kinh tế xanh của Việt Nam là vấn đề cấp thiết. GIZ đã có sự hợp tác lâu dài với Chính phủ Việt Nam và CIEM trong quá trình nghiên cứu và phát triển liên quan đến việc đưa ra các chính sách về phát triển kinh tế xanh. Ông Dennis Quennet cho biết, mục tiêu chính của dự án là tập trung vào tăng trưởng xanh và GIZ muốn nỗ lực để giúp Việt Nam đạt được những chỉ số liên quan tới tăng trưởng xanh. Nhắc tới tăng trưởng xanh, phát triển xanh, phải nhắc tới thị trường lao động xanh và để đảm bảo phải có kỹ năng xanh.. Ông Dennis Quennet chia sẻ, vấn đề tăng trưởng xanh và chuyển sang nền kinh tế xanh không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, các cơ quan ban ngành mà còn là của các doanh nghiệp để giúp tạo ra việc làm xanh, chuyển dịch các việc làm sẵn có sang việc làm xanh. Từ bài học kinh nghiệm của nước Đức, GIZ tin rằng việc chuyển dịch, cũng như tạo ra nguồn lao động cho nền kinh tế xanh không chỉ liên quan tới kỹ năng của người lao động mà nó liên quan đến các phương pháp, chính sách mà Chính phủ tạo điều kiện giúp quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh hiệu quả và dễ dàng hơn.

Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu xã hội, CIEM 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu xã hội, CIEM trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu cho thấy: mục tiêu chính của nghiên cứu là đề xuất được một số giải pháp nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Báo cáo đã được nhóm nghiên cứu của CIEM triển khai thực hiện trong năm 2023 và đưa ra bức tranh về cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào 4 lĩnh vực: năng lượng tái tạo, nông nghiệp, giao  thông vận tải và tái chế, vốn là các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của thay đổi việc làm trong quá trình xanh hóa nền kinh tế.

Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn bất cập thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh và qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm trong quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam, bao gồm các nhóm giải pháp về:  nâng cao nhận thức về thúc đẩy việc làm xanh; thúc đẩy cơ hội việc làm xanh mới; thúc đẩy chuyển đổi việc làm hiện tại sang việc làm xanh; hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển việc làm xanh và giải pháp theo ngành, trong đó tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải và tái chế.

TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội

Hội thảo có phần bình luận của TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội và PGS.TS. Vũ Thị Minh, Đại học Kinh tế quốc dân với các ý kiến đánh giá và góp ý hoàn thiện nội dung Báo cáo.

PGS.TS. Vũ Thị Minh, Đại học Kinh tế quốc dân

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng có ý kiến phát biểu, trao đổi và nhận định báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích  cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình xây dựng chính sách việc làm nói riêng và tăng trưởng xanh nói chung ở Việt Nam thời gian tới./.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi