Viện trưởng CIEM tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững"
Hội nghị hội thảo

Viện trưởng CIEM tham dự Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững"

20/09/2023 - 3868 lượt xem

Sáng ngày 19/9/2023, tại Hà Nội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 với chủ đề ''Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững''. Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và kết nối trực tuyến tới 6 điểm cầu ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

 

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

Đồng chủ trì Phiên toàn thể của Diễn đàn gồm có các đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị - Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Phiên toàn thể, Tọa đàm cấp cao của Diễn đàn về chủ đề “Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Tham luận tập trung vào một số nội dung quan trọng gắn với tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Cụ thể: 

Về cơ cấu lại nền kinh tế

Thứ nhất, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo ước tính mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và gần 15% trong 6 tháng đầu năm 2023. Tư duy và khung chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,…) đã bước đầu được cụ thể hóa, phù hợp với trình độ và ưu tiên phát triển của Việt Nam. Tiếp theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó đề ra các giải pháp rất cụ thể nhằm sớm phát huy khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy “phục hồi xanh”.

Thứ hai, cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm (hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước các năm 2022-2023 đã đạt hơn 15%/năm. Nhờ đó, đầu tư công đã phát huy vai trò trong “cỗ xe tam mã” thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Việt Nam đã được nâng hạng tín nhiệm quốc gia theo đánh giá của các tổ chức Moody’s, S&P và Fitch. Nhờ đó, việc bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp tài khóa và tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các giải pháp khác đã góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mà không tạo thêm áp lực lạm phát: lạm phát tính theo CPI bình quân duy trì ổn định ở mức 3,15% vào năm 2022 và 3,1% trong 8 tháng đầu năm 2023. Đây chính là những nền tảng quan trọng để không ít chuyên gia kiến nghị Việt Nam nên tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa.

Thứ ba, không gian kinh tế được mở rộng, tạo được động lực mới, liền mạch và bền vững hơn. Các nghị quyết của Đảng về phát triển các vùng kinh tế-xã hội đã được quán triệt và thực hiện bài bản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định thành lập mới, kiện toàn 6 Hội đồng điều phối vùng cho 6 vùng kinh tế-xã hội. Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, đồng thời tạo nền tảng để xử lý những vấn đề mà từng địa phương không giải quyết được hoặc giải quyết thiếu hiệu quả (ví dụ như kết nối hạ tầng giao thông liên vùng). Chiều dài cao tốc hoàn thành trong 3 năm 2021-2023 đã đạt tới 566 km, bằng ½ khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây (khoảng 1.163km).

Thứ tư, các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Chỉ số Tự do kinh tế của Việt Nam do tổ chức Heritage Foundation đánh giá đã tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 năm 2021 lên vị trí thứ 84 năm 2022, và thứ 72 năm 2023. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vấn đề đối với các thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ,… Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, ban hành các Luật quan trọng gắn với phát triển các loại thị trường, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi),… Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có các nội dung đặc thù quan trọng về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế đã dần đi vào nề nếp, trở thành một nét “riêng mới” ngay trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.  

Về bối cảnh mới, vị thế mới

Bối cảnh quốc tế kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 có nhiều gam màu khác nhau. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như cạnh tranh địa chính trị phức tạp, khó lường, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu phức tạp,… Bên cạnh đó là những diễn biến mới, có hệ lụy sâu rộng như xung đột Nga-Ucraina, sự cố của một số ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ, kinh tế Trung Quốc chậm phục hồi, gia tăng quy định về phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu,… Dù vậy, đã có một số chuyển biến mới. Các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 7 năm 2023 đã nâng dự báo cho năm 2023 từ mức 2,8% lên 3,0%. Chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức kỷ lục. Hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đã hình thành về cơ bản và giúp thay đổi đáng kể hành vi của các tổ chức và cá nhân. Các tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), diễn ra với tốc độ chưa từng có tiền lệ, thậm chí “cách mạng hóa” hoạt động khoa học: Tạp chí Economist mới đây đã thống kê 7,2% các báo cáo khoa học công bố năm 2022 trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học có sử dụng AI.

Trong bối cảnh khó khăn, các nước càng nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Các quốc gia tham gia thảo luận Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chủ động đàm phán, hoàn tất đàm phán nhằm nâng cấp một số FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ốtx-trây-lia và Niu Di-lân. Dù còn nhiều cân nhắc, các sáng kiến đều có sự tham gia rất tích cực của các nước thành viên ASEAN, hướng tới vị thế trung tâm trong các sáng kiến hợp tác ở khu vực. Đó sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế.

Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam đã thiết lập quan hệ từ cấp độ Đối tác chiến lược với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát đã tạo thuận lợi cho những giải pháp căn bản, dài hạn nhằm cơ cấu lại, cải thiện sức chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài. Năng lực điều hành tỷ giá đã được thực chứng ngay trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, phức tạp, khó lường vừa qua: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tính toán mức độ biến động của tỷ giá VNĐ/USD trong giai đoạn từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 6 năm 2023 chỉ bằng 30,7% so với chỉ số USD trên thị trường thế giới.

Ở chiều ngược lại, cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chất lượng hơn gắn với xử lý hiệu quả những tương tác giữa Nhà nước-thị trường-hội nhập trong bối cảnh mới. Nhờ đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023, công bố vào tháng 4/2023. Ở một phương diện khác, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự quan tâm tích cực đến thị trường Việt Nam: vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đã đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD trong năm 2022, và 13,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.

Về tư duy mới, nội lực mới, động lực mới

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, và lại ở một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, có chất lượng và bền vững là rất cần thiết. Yêu cầu ấy càng đòi hỏi phải quyết liệt đổi mới tư duy trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Điểm tích cực là Việt Nam đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Hơn hai năm vừa qua là khoảng thời gian Quốc hội đã quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, chính sách cho hoạt động cải cách và điều hành của Chính phủ. Các quy hoạch được phê duyệt đã lồng ghép những tư duy mới, gắn với phát triển kinh tế đô thị, liên kết vùng,…Tư duy xây dựng cơ chế thử nghiệm cho một số lĩnh vực (fintech, kinh tế tuần hoàn), cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương đã được cân nhắc tích cực hơn nhằm tạo không gian cho các lĩnh vực, địa phương sớm phục hồi, chuyển đổi và phát triển. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã được tư duy trong quan hệ tương hỗ với nhau, và đều ưu tiên thực hiện khẩn trương, ngay trong quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, để những tư duy ấy trở nên sâu sắc hơn đòi hỏi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường”. Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách so với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 01 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách). Chúng ta cũng cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ “Gen Z” ngày một mở rộng, và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng.

Theo đó, Quốc hội cần tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong quá trình tạo dựng các động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Thứ nhất, cần tạo dựng một khung khổ ở tầm quốc gia nhằm cải năng suất lao động, gắn với tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới, chính thức hóa khu vực phi chính thức, và bảo vệ hiệu quả tài sản trí tuệ trên nền tảng số. Thứ hai, nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách khuyến khích và rà soát khung pháp lý để hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn, triển khai sớm hơn các mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,… có lồng ghép hiệu quả tư duy liên kết vùng bền vững. Thứ ba, thực hiện hiệu quả các FTA, tập trung vào các FTA thế hệ mới, gắn với tăng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia, cải thiện vị trí tiến tới làm chủ các công đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, theo dõi và thích ứng hiệu quả với các tiêu chuẩn, quy định mới ở các thị trường đối tác, và tạo thuận lợi thương mại.

Kết thúc bài tham luận, TS. Trần Thị Hồng Minh nêu quan điểm: các định hướng, kiến nghị trên cần thực hiện kết hợp hài hòa, hiệu quả với nhau. Một điều kiện tiên quyết là phải có cơ chế tạo động lực, khuyến khích phối hợp và đánh giá hiệu quả để toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đều “không ngừng đổi mới, khẩn trương đổi mới, chung tay đổi mới”./.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 


Tin tức khác