Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”

04/08/2023 - 4438 lượt xem

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Dự án Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường biển, do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) ủy nhiệm cho Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), sáng ngày ngày 04 tháng 8 năm 2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”. Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các bộ, ngành, các chuyên gia về KTTH và đông đảo cơ quan truyền thông đến đưa tin. Hội thảo tập trung vào những nội dung đề xuất về lĩnh vực và chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh, thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và phân công của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM đang chủ trì, xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH. Theo đó, Quyết định này đặt ra cách tiếp cận hướng nhiều hơn tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”. CIEM mong muốn được lắng nghe những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, khoa học về các khía cạnh nhằm đề xuất được một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới.

Bà Mira Nagy, Trưởng nhóm Hợp phần tại Việt Nam Dự án toàn cầu Hướng tới sự tuần hoàn,

Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ 

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp đã trình bày Dự thảo Nghị định. Dự thảo đề xuất các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng và Vật liệu xây dựng. Ông Dương chia sẻ, cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia Cơ chế thử nghiệm không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống. Nguyên nhân là do các mô hình KTTH mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án KTTH trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản,…

Các nội dung chính sách thử nghiệm bao gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; Chính sách phân loại xanh; Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Chính sách đất đai; Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế.

Tiếp đó, bà Mira Nagy, Trưởng nhóm Hợp phần tại Việt Nam Dự án toàn cầu Hướng tới sự tuần hoàn, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ trình bày tham luận “Mô hình KTTH của CHLB Đức”, bà chia sẻ kinh nghiệm của Đức về mô hình kinh tế tuần hoàn, chỉ rõ KTTH mang lại tiềm năng to lớn cho việc bảo vệ khí hậu và môi trường, an ninh tài nguyên cũng như sự thịnh vượng của xã hội. Bà Nagy nhận định: Các ngành được lựa chọn đưa vào cơ chế thử nghiệm KTTH ở Việt Nam cũng nổi lên là những ngành quan trọng khi phát triển KTTH của Đức, như xây dựng, phương tiện đi lại và pin, thiết bị điện tử và thực phẩm. Cơ chế thử nghiệm còn được gắn với một số biện pháp được đề xuất khác như cơ chế tài chính cho KTTH, ưu đãi cho doanh nghiệp, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, cũng như củng cố chuỗi giá trị ở địa phương. Ngoài ra, cách tiếp cận mô hình hóa có thể cung cấp thông tin cho nghiên cứu để phát triển KTTH tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM

Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm cả trong nghiên cứu và thực tiễn của các chuyên gia, đơn vị liên quan đến KTTH như PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn theo hình thức trực tuyến; TS. Mai Huy Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Mekong trình bày mô hình KTTH về điện tái tạo và sản xuất nhiên liệu xanh tại Soài  Rạp huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; TS. Trương Thị Thu Trang,  Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Ths. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường; Ths. Hoàng Thị Diệu Linh, Cán bộ phụ trách vấn đề chất thải và kinh tế tuần hoàn Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP); Ths. Đặng Thanh Huyền,  Phòng Nghiên cứu phát triển và dịch vụ, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng. Các ý kiến góp ý sát với thực tế, đưa ra các cách tiếp cận khác nhau và có nhiều đề xuất, giải pháp hữu ích tham khảo cho Dự thảo Nghị định được hoàn thiện và cụ thể hơn.

Phát biểu bế mạc, Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương trân trọng cảm ơn sự có mặt và những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo. Trên cơ sở đó, CIEM sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội

 

 

 

 


Tin tức khác