06/07/2023 - 6309 lượt xem
Sáng ngày 06 tháng 7 năm 2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp" nhằm nhận diện khó khăn của môi trường kinh doanh, trong đó có những rào cản về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh và các thủ tục hành chính liên quan. Theo đó, trên cơ sở thảo luận, phân tích, làm rõ những bất cập về môi trường kinh doanh, ngành nghề và điều kiện kinh doanh sẽ báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương án và giải pháp tương ứng.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan truyền thông đến đưa tin.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đồng chủ trì Hội thảo
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng từ những yếu tố bất định bên ngoài thì cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp. Thứ trưởng nhấn mạnh, môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số Bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
Đồng chủ trì Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho thấy, CIEM là đơn vị được giao làm đầu mối nghiên cứu, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh; trong thời gian qua, CIEM đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tiến hành rà soát các quy định pháp luật về các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh...
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM
Đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trình bày kết quả rà soát sơ bộ về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong 15 lĩnh vực. Kết quả rà soát cho thấy một số điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, chất lượng ĐKKD trong một số lĩnh vực đã được cải thiện. Cụ thể: ĐKKD trong một số lĩnh vực được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi; Số lượng ĐKKD quy định chung chung, thiếu minh bạch, khó tiên liệu đã giảm đáng kể so với trước năm 2017; ĐKKD về nhân sự, cơ sở vật chất cũng được quy định rõ và giảm mức độ đáp ứng điều kiện; Các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh đã được cắt giảm đáng kể; Các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực;… Từ đó tạo xu hướng xây dựng pháp luật minh bạch.
Thứ hai, về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: từ năm 2014, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề. Sau đó, Danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020). Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về ĐKKD tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư 2020.
Ngoài ra, có một số ngành nghề được quy định tại pháp luật chuyên ngành, nhưng không thống nhất với tên quy định tại Luật Đầu tư 2020; một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; một số ngành nghề hiện Chính phủ chưa quy định về ĐKKD; một số ngành nghề không có trong Danh mục, nhưng vẫn ban hành ĐKKD; một số ngành nghề đã được bãi bỏ khỏi Danh mục của Luật Đầu tư 2020, nhưng Nghị định quy định về ĐKKD vẫn còn hiệu lực thi hành. Mặt khác, có sự không nhất quán trong xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ ba, kết quả rà soát ĐKKD cho thấy vẫn còn nhiều ĐKKD quy định chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định. ĐKKD có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng ĐKKD có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau. Một số khó khăn nổi bật khác cũng được nhận diên như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép hay việc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép,…
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Thực trạng môi trường kinh doanh, rào cản điều kiện kinh doanh và gợi ý giải pháp thực hiện”, Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, VCCI đã có ý kiến đóng góp về một số vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh. Bà Hồng chia sẻ: Mặc dù Nhà nước đã có những hoạt động cải cách mạnh mẽ về điều kiện kinh doanh, các quy định kinh doanh nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, đề xuất cắt giảm nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa có tính đột phá, cải cách; nhiều quy định về điều kiện kinh doanh vẫn còn bất hợp lý. Ví dụ: việc thiết kế hệ thống phân phối phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực xăng dầu đã tác động đến thị trường bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua; kiểm soát, cắt giảm cái cũ, cái hiện có nhưng không kiểm soát cái mới ban hành, cái đang soạn thảo; thủ tục hành chính vẫn phiền hà...
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh
Ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Phiên thảo luận “Vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp: những bất cập trong quy định pháp luật, thực thi và đề xuất, kiến nghị” diễn ra sôi nổi với sự tham gia của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam; ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; bà Nguyễn Cẩm Vân, Trưởng Văn phòng Hà Nội kiêm quan hệ đối ngoại, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về những khó khăn, bất cập của quy định pháp lý và thực thi ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc sửa đổi các quy định pháp lý về ĐKKD; giải quyết kịp thời, triệt để các bất cập, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giám sát, đánh giá độc lập về kết quả thay đổi, cải cách.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ rào cản cải cách MTKD từ các đại diện, chuyên gia của CIEM, VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề. Các ý kiến sẽ được CIEM tổng hợp để báo cáo, trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cắt giảm các ĐKKD; kiến nghị kiểm soát các quy định pháp luật để không phát sinh thêm các rào cản cho doanh nghiệp.../.
Nguồn: Trung tâm Thông tin kinh tế - xã hội
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi kép số và xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)