Hội thảo “Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia tại Việt Nam”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia tại Việt Nam”

28/03/2023 - 6746 lượt xem

Chiều ngày 28/3/2023, tại Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Tài chính cho Kinh tế tuần hoàn: Góc nhìn cho những chủ thể tham gia tại Việt Nam”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Bà Mira Nagy, Trưởng hợp phần Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), GIZ và đông đảo đại diện các cơ quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Hợp tác với Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), Công ty tư vấn Ecocircleconcept, Vietcycle Corp, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ: Trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm cả đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. Những thách thức đó đặt ra đòi hỏi Việt Nam cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng… Theo đó, tiếp cận và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trở thành một hướng đi quan trọng, phù hợp với xu hướng chuyển đổi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Với nhận thức đó, CIEM đã nỗ lực tham gia “mở đường” cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ngay từ năm 2020, Viện đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Triển khai Quyết định 687/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Dự thảo Nghị định đề xuất 07 nhóm chính sách quan trọng, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách và phương thức huy động nguồn lực cho các dự án đầu tư gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn. Đề cương Nghị định đã được gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để lấy ý kiến; dự kiến sẽ trình dự thảo Nghị định vào tháng 6/2023. Trên cơ sở tiếp nhận tất cả ý kiến đóng góp từ Hội thảo, CIEM sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và tham mưu chính sách, giải pháp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới, đặc biệt phục vụ cho việc hoàn thiện và trình ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tiếp đó, Bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular) của GIZ chia sẻ:  Khái niệm về kinh tế tuần hoàn (KTTH) rất mới và chứa đựng tiềm năng, hiện nay có rất nhiều quốc gia quan tâm đến nội dung huy động nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án Hướng tới sự tuần hoàn "Go Cirular” do GIZ thay mặt Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức thực hiện. Go Circular hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu cũng như tại 3 nước đối tác gồm Việt Nam, Columbia và Ghana. Dự án hỗ trợ các bên liên quan xây dựng các giải pháp tuần hoàn mang tính sáng tạo trong chuỗi giá trị, tăng cường cơ chế nhân rộng các cách làm được thử nghiệm, và hành động toàn cầu thông qua các liên minh. Các biện pháp ưu tiên triển khai tại Việt Nam gồm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn mang tính sáng tạo và tư vấn thực hiện các chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular) của GIZ

Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn và các dự án đầu tư giữa tất cả các bên liên quan. Năng lực trong lĩnh vực tài chính để sàng lọc và lựa chọn các cơ hội đầu tư vào kinh tế tuần hoàn cũng cần được tăng cường thông qua đào tạo và tài liệu hướng dẫn. Những nỗ lực này cần phù hợp với bộ tiêu chí phân loại tài chính xanh đang được xây dựng và triển khai trong tương lai. Ngoài ra, các mô hình kinh doanh khả thi cần được xây dựng và nghiên cứu chi tiết hơn để đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm thu hút được các khoản đầu tư xứng đáng.

Hội thảo cũng giới thiệu báo cáo “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn: Góc  nhìn cho những chủ thể tham gia” (Financing Circular Economy – Insights for Practitioners‘) và nghiên cứu cơ bản chi tiết hơn về “Tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại các nước thu nhập thấp và trung bình” (‘Finance for circular economy in low- and middle-income countries‘). Báo cáo nghiên cứu do Trường Tài chính và Quản lý Frankfurt và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện, nêu ra một số hướng dẫn về cách thức hợp tác phát triển có thể góp phần khắc phục sự thiếu hụt tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu chú trọng vào năm quốc gia: Albania, Colombia, Cộng hòa Dominica, Rwanda và Việt Nam.

Tại Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến Bà Carola Menzel-Hausherr, Quản lý Dự án cao cấp, Trung tâm Senior Project Manager, Frankfurt School - Trung tâm Hợp tác với Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) về Khí hậu & Tài chính cho Năng lượng Bền vững của Trường Frankfurt và Bà Susanne Volz, Chuyên gia về Kinh tế tuần hoàn và Tài chính bền vững đã trình bày báo cáo “Nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn tại các nước thu nhập thấp và trung bình”.

Bà Carola Menzel-Hausherr, Quản lý Dự án cao cấp, Trung tâm Senior Project Manager, Frankfurt School

và Bà Susanne Volz, Chuyên gia về Kinh tế tuần hoàn và Tài chính bền vững tham gia trực tuyến

Báo cáo cho thấy thế giới đang gặp thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp như ngành nông nghiệp bị giảm canh tác, tài nguyên. Trong bối cảnh đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đưa ra cho chúng ta một giải pháp hữu ích so với kinh tế tuyến tính: cần phải tận dụng hết giá trị của sản phẩn, dịch vụ, nếu không các sản phẩm, dịch vụ này có thể bị mất giá trị, thậm chí gây ô nhiễm và có các yếu tố ngoại cảnh. KTTH cố gắng bảo tồn vòng đời của giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ bằng các hình thức tái thu hồi, tái sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ 8,6% kinh tế thế giới là tuần hoàn.

Bà Carola đã đưa ra Mô hình “Value hill” của Nhựa làm ví dụ minh hoạ trong việc xây dựng KTTH bằng việc xác định các rào cản thông qua các công cụ tài chính. Theo đó, khi gặp phải các rào cản: thị trường không hiệu quả, không có ưu đãi các quyết định liên quan đến mô hình tuần hoàn, thiếu nguồn nguyên liệu thay thế, thiếu ảnh hưởng (đối với các sản phẩm nhập khẩu), mô hình kinh doành tuần hoàn chưa đủ mạnh, xử lý chất thải không chính thức đã được định hình, hệ thống quản lý kém, chi phí cao. Đối với ngành nhựa, KTTH sẽ tiếp cận trọng tâm vào việc: Tiếp cận tổng hợp quản lý nhữa, lồng ghép các nước nhập khẩu vào chuỗi cung ứng công nghiệp của EU, điều chỉnh khung chính sách và hạn chế, ưu đãi cho việc sử dụng và phát triển vật liệu, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mạnh (từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng), thiết lập hệ thống xử lý hiệu quả, hỗ trợ và cấp vốn cho các hệ thống xử lý. Từ đó, có thể dùng các công cụ tài chính sau: Tài trợ, bảo lãnh, cho thuê,vay ưu đãi (tương ứng với KPI), hợp tác công - tư, mua sắm tuần hoàn.

Tiếp đó, bà Carola và bà Sussane đề cập tới KTTH ở Việt Nam và nhận định KTTH ở Việt Nam có ba trụ cột: Thiết kế và kéo dài tuổi thọ vật liệu, Giảm chất thải và khí thải, và Phục hồi hệ sinh thái. Giải pháp KTTH tại Việt Nam cần hướng đến là Tiết kiệm tài nguyên và chi phí, phù hợp với các quy định quốc gia và quy định nội bộ, cải thiện môi trường bền vững và hình ảnh. Hai diễn giả đã đưa ra ví dụ cụ thể về KTTH của Việt Nam ở các khu công nghiệp (Chuyển đổi các khu công nghiệp thành Khu công nghiệp sinh thái hướng tới KTTH), lĩnh vực dệt may (Dựa trên các mô hình tốt về sản xuất sạch hơn, tăng hiệu quả tài nguyên và tích hợp khái niệm KTTH) , lĩnh vực quản lý chất thải (Thúc đẩy khái niệm tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý chất thải của Việt Nam- tăng cường và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng quản lý chất thải trên toàn quốc).

Toạ đàm và Hỏi đáp tại Hội thảo

Phần cuối hội thảo là phiên Toạ đàm và Hỏi đáp với sự tham giam của ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách nhà nước - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM; bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp, BIDV; Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Vietcycle Corp và bà  Nguyễn Trâm Anh, Quản lý kỹ thuật quốc gia, UNIDO với các đại biểu tham dự; thảo luận xoay quanh khái niệm tuần hoàn, cụ thể trong các lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay như: tín dụng xanh, công nghiệp tái chế, tài chính tuần hoàn… với rất nhiều ý kiến, trao đổi từ các đại biểu và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi