Chào Xuân Quý Mão: Làm gì để giữ động lực phát triển? Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có buổi phỏng vấn với Tạp chí Đầu tư Tài chính về các động lực phát triển kinh tế năm 2023
Góc nhìn chuyên gia

Chào Xuân Quý Mão: Làm gì để giữ động lực phát triển? Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có buổi phỏng vấn với Tạp chí Đầu tư Tài chính về các động lực phát triển kinh tế năm 2023

31/01/2023 - 2672 lượt xem

Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Có thể nói 2022 là năm tương đối sóng gió với kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức 6,5%, một mục tiêu khá thách thức. Vậy đâu là động lực cho tăng trưởng năm 2023, chúng ta sẽ phải “giữ lửa” động lực phát triển như thế nào? 

Mở rộng không gian phát triển

- Theo bà, trong bối cảnh này, liệu mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 liệu có khả thi?

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức ở cả bối cảnh quốc tế và trong nước năm 2022, Việt Nam vẫn thể hiện đà phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong 11 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi và phát triển khá trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt mức 8,83% so với cùng kỳ năm 2021; tăng trưởng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt tới 13,4% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu đạt 10,6 tỷ USD; lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng đã tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm quan trọng là chúng ta đã tạo được những nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế một cách vững chắc. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội – theo Nghị quyết số 11/NQ-CP – đã được thực hiện với những giải pháp quan trọng ở nhiều trụ cột. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững: lạm phát theo CPI bình quân ở mức 3,02% trong 11 tháng đầu năm.

Những ý tưởng cải cách nhằm mở rộng không gian phát triển đã được hiện thực hóa rõ nét trong năm 2022, trong đó có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và xã hội số, hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội, tăng năng suất lao động… Việc khai thác các FTA mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực kể từ đầu năm 2022, đã được lưu tâm nhiều hơn. Nói như vậy để thấy, chúng ta có những cơ sở để tin rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% có thể khả thi.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

- Trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của năm tới, theo bà đâu là những rào cản lớn nhất?

Tôi cho rằng chất lượng tăng trưởng sẽ được cải thiện đáng kể nếu như xử lý hiệu quả được một số vấn đề, thách thức sau:

Thứ nhất, rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina kéo dài đã kéo theo khủng hoảng năng lượng ở nhiều nước, tăng giá năng lượng trên thị trường thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng. Không ít nền kinh tế có thể vẫn ưu tiên xử lý áp lực lạm phát, thay vì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; theo đó, nhu cầu đối với nhập khẩu sẽ giảm. Cạnh tranh địa chính trị phức tạp giữa các nước cũng ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhu cầu đối với các máy móc, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Nếu không có giải pháp đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, thích ứng với sự vận động của chuỗi cung ứng thì tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Thứ hai, quá trình cải cách môi trường kinh doanh cần phải tạo được những đột phá mới. Trong nhiều năm qua, hoạt động cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã đi vào “nề nếp” với chuỗi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ trong các năm 2014-2018 và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ kể từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, những đánh giá, trao đổi của chúng tôi gần đây với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy dường như chất lượng của cải cách môi trường kinh doanh chưa đạt như yêu cầu của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, khó khăn đối với bảo đảm đủ số lượng lao động và đủ kỹ năng lao động cần thiết cho quá trình phục hồi kinh tế. Trong hai năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung lao động tại một số thời điểm do hệ lụy của dịch COVID-19. Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động. Trong bối cảnh ấy, duy trì sự tham gia lao động đồng thời tạo dựng kỹ năng để người lao động thích ứng với những ngành nghề, hoạt động kinh tế mới sẽ là một yêu cầu quan trọng, song không dễ thực hiện.

- Bên cạnh những rào cản lớn đó, theo bà, còn những động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm sau, thưa bà?

Bên cạnh những thách thức, Việt Nam vẫn còn nhiều động lực cho tăng trưởng năm 2023.

Thứ nhất, Việt Nam đang có thuận lợi từ đà phục hồi kinh tế trong năm 2022 và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việt Nam đã chuyển mạnh mẽ sang cách tiếp cận thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả (đặc biệt là sau Nghị quyết 128/NQ-CP vào tháng 10 năm 2021). Chúng ta cũng duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô tương đối so với nhiều nền kinh tế ở khu vực, và ổn định xã hội. Hơn hết, Việt Nam đã tạo dựng được hình ảnh của một đất nước không ngừng cải cách và hội nhập.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp đang có sự hứng khởi kinh doanh sau một thời gian dài gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Những ý tưởng kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã gia tăng đáng kể. Sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm,… đã được cảm nhận rõ nét hơn. Nếu được sự tiếp sức từ các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai,…) thì sự hứng khởi kinh doanh ấy sẽ chuyển thành nhiều giá trị gia tăng, năng suất lao động cao hơn.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là một hướng đi quan trọng. Bên cạnh các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, các nền kinh tế ở khu vực cũng quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, đàm phán nâng cấp các FTA hiện có (như FTA giữa ASEAN-Australia-New Zealand, ASEAN-Hàn Quốc,…). Các đối tác cũng tăng cường thảo luận về các nội dung hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam để một số lĩnh vực tiềm năng, như thương mại không giấy tờ, thương mại số,…

Tháo dỡ các rào cản “bức thiết”

- Bà dự đoán như thế nào về kinh tế Việt Nam 2023, theo bà, trên nền tăng trưởng cao như thế, tăng trưởng 2023 sẽ ở trong khoảng bao nhiêu %?

Với cân nhắc thấu đáo từ những cơ hội, thách thức trên đây, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế về thực trạng, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng, nếu tận dụng hiệu quả các động lực cho tăng trưởng kinh tế, gắn với tháo gỡ hiệu quả các rào cản “bức thiết” nhất, Việt Nam có thể tự tin hướng tới mức tăng trưởng kinh tế ở khoảng 6,5-7,0% trong năm 2023.

- Cuối cùng, bà có khuyến nghị gì để Việt Nam tiếp tục giữ động lực phát triển cho năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, thưa bà?

Thứ nhất, duy trì cải cách gắn với quá trình phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Công cuộc cải cách kinh tế cần phải được thực hiện “đồng thời” cùng với quá trình phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô. Ở đây, cần phải nhấn mạnh vào việc tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế. Công tác giải trình chính sách kinh tế vĩ mô cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả hơn, nhằm tạo đồng thuận và ổn định tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, qua đó hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô.

Thứ hai, tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay thì cần khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên dữ liệu hiện có. Đồng thời, cần khai thác các lợi thế từ việc phát huy hiệu quả vấn đề liên kết vùng và thể chế liên kết vùng. Thòi gian vừa qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về Vùng Đông Nam bộ cũng như vùng Tây nguyên.

Thứ ba, mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững. Phát triển và khai thác hiệu quả hoạt động kinh tế số. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa để tăng năng suất lao động. Đảm bảo ổn định chính sách và độ mở kinh tế, để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cần được thúc đẩy. Hoàn thiện thể chế để các mô hình này phát triển bền vững, giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Cần lưu ý, quá trình này không nhất thiết phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quá trình chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch càng trở nên cấp thiết và được thúc đẩy mạnh mẽ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina vẫn đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng cần phải khằng định, cần phải thực hiện chuyển đổi sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh ngay trong quá trình thực hiện phục hồi kinh tế sau COVID-19.

Thứ tư, yêu cầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Chúng ta đều biết vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế đối với thúc đẩy cải cách trong nước, góp phần vào việc thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng là cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện các cam kết thương mại tự do. Nếu phát huy tốt các yếu tố hội nhập này chúng ta sẽ tận dụng được nhiều lợi thế từ các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP…

 

Nguồn: vietnamfinance.vn


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi