31/10/2022 - 5242 lượt xem
Trong thời gian từ ngày 10-28/10/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức các hội thảo công bố các báo cáo nghiên cứu về: Mua sắm công xanh, Đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, Xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Xây dựng, thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực…
Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam”
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức vào ngày 28/10/2022 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: “Cơ chế thử nghiệm (CCTN) không phải là một cách tiếp cận mới cả về lý thuyết và thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không ít quốc gia đã và đang áp dụng các CCTN, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng. Mục đích của CCTN là tạo ra môi trường thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi nhất định, qua đó tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Thông qua CCTN, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác có thể tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây có thể là một cách tiếp cận mới, hiện đại, trong khi vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu quản lý, thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu”.
Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày kết quả nghiên cứu. Nội dung báo cáo gồm: (i) Giới thiệu chung về nghiên cứu; (ii) Cơ sở lý luận về CCTN; (iii) Thực tiễn áp dụng CCTN trên thế giới; (iv) Thực trạng xây dựng và thực hiện CCTN tại Việt Nam; (v) Một số kiến nghị chính sách.
Toàn cảnh Hội thảo
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra thực tiễn áp dụng CCTN đối với lĩnh vực Fintech và kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trên thế giới như Úc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hà Lan và Vương Quốc Anh đồng thời phân tích thực trạng xây dựng và thực hiện CCTN tại Việt Nam, từ đó, rút ra bài học cho Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị chung, cụ thể là: Tư duy chính sách cần đặt lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu khi xây dựng CCTN; Cần tránh tư duy CCTN là công cụ duy nhất để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Không nên có tư duy CCTN là bắt buộc và cần tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tham gia CCTN và các doanh nghiệp không tham gia CCTN; Các thông tin liên quan đến đối tượng tham gia thử nghiệm phải được công khai minh bạch; Thường xuyên thay đổi, nâng cấp CCTN để phù hợp với thực tiễn triển khai; Cần có cơ chế xử lý tranh chấp và khiếu nại; cũng như một số kiến nghị với lĩnh vực Fintech và kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội thảo, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra một số nhận xét và góp ý cho nhóm nghiên cứu trong đó, ghi nhận Báo cáo đã đạt được mục tiêu đề ra, nhiều đề xuất có giá trị tham khảo cao. Theo PGS. TS. Tuấn, đây là một nghiên cứu có chất lượng với nhiều thông tin mới, tuy nhiên, nên bổ sung và làm rõ hơn về một số nội dung để báo cáo được hoàn thiện hơn.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cấp cao đánh giá đề tài nghiên cứu đã có những nhận xét thẳng thắn, có trách nhiệm khoa học, có căn cứ, thể hiện tinh thần đổi mới. Đồng thời, TS. Doanh cũng đưa ra một số đóng góp về mặt nội dung và đề xuất thêm một số kiến nghị cho nhóm nghiên cứu CIEM.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu, chia sẻ sôi nổi của đại biểu đến từ các bộ, ngành.
Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cảm ơn các ý kiến, góp ý của các chuyên gia, các vị đại biểu. CIEM ghi nhận và sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới để có những tham mưu đóng góp cho Chính phủ. Đối với lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, CIEM đang tích cực nghiên cứu, triển khai hỗ trợ mô hình kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp.
Hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số”
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số” vào ngày 27/10/2022. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: “Việc thúc đẩy liên kết vùng là một hoạt động quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Cụ thể, với việc tăng cường thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, chuyển đổi số giúp chính phủ và cơ quan điều phối phát triển vùng có cái nhìn tổng quát và khả năng theo dõi, đánh giá cập nhật hơn về tình hình phát triển kinh tế theo vùng, thay vì chỉ theo báo cáo tổng hợp của từng địa phương riêng lẻ. Chuyển đổi số hướng tới việc quản lý, điều hành của chính quyền Trung ương tới địa phương được tối ưu, minh bạch, kịp thời, đồng thời làm giảm chi phí hành chính của doanh nghiệp, thông qua đó giúp kết nối Chính phủ và doanh nghiệp tốt hơn và kết nối giữa các doanh nghiệp và khách hàng tối ưu hơn. Từ đó, xu hướng liên kết không chỉ mang tính chất nội vùng, liên vùng mà còn mở rộng ra toàn cầu”.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM
Đại diện nhóm nghiên cứu ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp trình bày báo cáo tập trung vào những nội dung chính: (i) Rà soát khung pháp lý về thể chế kinh tế vùng, cơ chế liên kết vùng, khung chính sách liên quan đến xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng; (ii) Phân tích kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mục tiêu kinh tế - xã hội cấp vùng (Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia); và (iii) các yêu cầu và điều kiện cần thiết đối với xây dựng mục tiêu cấp độ vùng từ đó kiến nghị các nhóm giải pháp và lộ trình xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB).
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nghiên cứu cũng chỉ ra những bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến vùng TD&MNPB cần tiếp tục xử lý bao gồm: chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện; quy hoạch định hướng phát triển cho vùng TD&MNPB trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong vùng còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng còn khó khăn,... Bản thân các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng TD&MNPB hiện nay vẫn chỉ cộng gộp từ các địa phương nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong vùng. Trong khi đó, phân cấp xây dựng, triển khai và đánh giá mục tiêu vẫn còn nhiều lúng túng, đặc biệt là ở cấp địa phương. Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập nhưng chưa có quy chế hoạt động, chưa có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân, quy chế thi đua, cơ chế khen thưởng, xử phạt tập thể nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu CIEM đề ra một số yêu cầu, giải pháp và lộ trình thực hiện hiệu quả việc xây dựng mục tiêu KTXH vùng TD&MNPB.
Thảo luận và góp ý cho báo cáo, PGS. TS. Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế ghi nhận nghiên cứu đã đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời đưa ra một số góp ý về nội dung, trong đó cần tập trung xem xét khái niệm “xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng” ở góc độ kinh tế chính trị liên quan đến vai trò của chính quyền, vai trò của nhà nước và lợi ích của các chủ thể. Đồng thời, PGS. TS. Bá cũng đưa ra một số đề xuất cho nhóm nghiên cứu như cần phân tích rõ tư duy phát triển; văn hóa phối hợp, kết hợp; năng lực, đạo đức của bộ máy chính quyền; và tác động của khoa học công nghệ.
Nhấn mạnh đến việc xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã đưa ra một số ý kiến. TS. Thành cũng chỉ ra một vài bất cập hiện nay cả về mặt lý luận và thực tiễn, đồng thời, đề xuất một số giải pháp.
Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm ơn các ý kiến, góp ý của các chuyên gia, các vị đại biểu. CIEM ghi nhận và sẽ xem xét, hoàn thiện nghiên cứu để có những tham mưu đóng góp cho Chính phủ. Hội thảo là dịp để CIEM trình bày nghiên cứu, qua đó, nhiều vấn đề đặt ra là gợi mở để CIEM tiếp tục hoàn thiện và tìm tòi những định hướng chính sách mới trong thời gian tới.
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Tăng cường đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam với các cơ chế, chính sách phù hợp”
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, sáng ngày 25/10/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Tăng cường đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam với các cơ chế, chính sách phù hợp”. TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh vốn đầu tư còn hạn chế, tổng vốn đầu tư nhà nước chủ yếu tập trung vào chương trình đầu tư giao thông công cộng cho các thành phố lớn, các chương trình hỗ trợ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, nguồn vốn đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh sẽ mang tính quyết định, đảm bảo thành công trong việc thực hiện chiến lược phát triển xanh. Tuy nhiên, có rất ít các doanh nghiệp đầu tư vào dự án tăng trưởng xanh, thường được coi là những dự án rủi ro. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn về đổi mới công nghệ, thiết bị có hiệu năng sử dụng năng lượng cao, tuy nhiên, chưa có những cơ chế chính sách cụ thể, dẫn dắt nên các chủ đầu tư thường rơi vào thế bị động, thiếu cơ sở, trong khi năng lực quản lý và hỗ trợ đầu tư của các công ty năng lượng tái tạo ở địa phương còn rất kém. Từ đó, cho thấy cần thiết phải có cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích vững mạnh để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và phát triển kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh”.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội trình bày báo cáo. Báo cáo tập trung nghiên cứu tổng quan về chính sách thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh; kinh nghiệm quốc tế về chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh; đánh giá tình trạng chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh. Qua nghiên cứu, báo cáo nêu ra một số phát hiện chính:
Thứ nhất, cần có các giải pháp đồng bộ, tập trung vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế thu hút các dự án tăng trưởng xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh rõ ràng, ban hành tiêu chí, cách phân loại và áp dụng tiêu chuẩn xanh trong các ngành, lĩnh vực.
Cần tạo dựng được thị trường và môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và công bằng đối với mọi thành phần kinh tế, cũng như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh đảm bảo các yêu cầu về tính đồng bộ; tính nhất quán; tính minh bạch; tính ổn; tính cần thiết; tính hợp lý; tính hiệu quả.
Đẩy mạnh và thu hút nguồn lực nhằm cung cấp tài chính cho tăng trưởng xanh thông qua: Phát triển thị trường trái phiếu xanh kết hợp với đòn bẩy tài chính, …
Thúc đẩy các dự án có thể thực hiện theo hình thức PPP.
Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội
Góp ý cho báo cáo, bà Trần Minh Huế, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những nhận xét và góp ý cho nghiên cứu như: cần cải thiện sự liên kết giữa các phần của báo cáo, số liệu thống kê, một số định nghĩa được sử dụng và mục tiêu mới trong chỉ tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, về hấp thụ nguồn vốn…
Ông Lê Quang Thuận, Trưởng ban Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đánh giá đây là một chủ đề có tính thời sự, phạm vi nghiên cứu rộng, toàn diện; nhiều biện pháp, chính sách cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam được đề xuất. Ngoài ra, ông Thuận cũng đưa ra một só góp ý nhằm hoàn thiện báo cáo.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nghiên cứu từ các cơ quan, tổ chức như Đại học Ngoại thương, Vụ Nông nghiệp – Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, Tổng cục Thống kê.
Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh cảm ơn các ý kiến, góp ý của các chuyên gia, các vị đại biểu. CIEM ghi nhận và sẽ xem xét, hoàn thiện nghiên cứu để có những tham mưu đóng góp cho Chính phủ.
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ, sáng ngày 10/10/2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”. TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh: “Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang là một giải pháp tất yếu trước những tác động ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022; Chiến lược và kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Luật Đấu thầu 2013 sửa đổi, theo đó sẽ bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Mục tiêu đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là đến năm 2030 tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số rào cản nhất định để thực hiện được mục tiêu đó. Chính vì vậy, cần phải có các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy mua sắm công xanh.”
Toàn cảnh Hội thảo
Thay mặt nhóm nghiên cứu CIEM, TS. Hồ Công Hòa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội trình bày nội dung chính của nghiên cứu tập trung vào hai khía cạnh, gồm: (i) Rà soát các quy định hiện nay về lồng ghép tiêu chí môi trường vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu; (ii) Đề xuất bộ tiêu chí môi trường lồng ghép vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu và các giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong thời gian tới. Cụ thể:
Mua sắm công bền vững/mua sắm công xanh là xu hướng tất yếu hiện nay, nhằm cụ thể hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng.
Mua sắm công xanh có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành thị trường xanh ở nước ta. Tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 25,9-30,2% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 19,7-30,8% tổng NSNN; tổng gói thầu mua sắm công chiếm trung bình khoảng 12,5% GDP, trong đó giá trị mua sắm thường xuyên từ vốn nhà nước chỉ chiếm trung bình khoảng 27,4% tổng giá thầu và chi cho đầu tư phát triển chiếm tới 72,6%.
TS. Hồ Công Hòa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội
Các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đối với nhà đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, các quy định còn thiếu các tiêu chí môi trường cụ thể để lồng ghép vào quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu.
Tại Hội thảo, Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu đã đưa ra những nhận xét và góp ý cho các tác giả về nội dung nghiên cứu. Trước hết, bà Lê ghi nhận những điểm sáng mà nghiên cứu đạt được như cụ thể hoá đề xuất so với Đề tài 2018; áp dụng các quy định mới của Việt Nam, tài liệu tham khảo, quy định cập nhập của thế giới. Bên cạnh đó, bà Lê đưa ra một số góp ý về triển khai nội dung và triển khai thực tế các đề xuất.
TS. Lại Văn Mạnh, Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã đưa nhận xét, góp ý về nội dung của báo cáo. Trước hết, TS. Mạnh ghi nhận những kết quả mà nhóm nghiên cứu đạt được, nhìn chung, bản báo cáo được nghiên cứu khá đầy đủ, toàn diện và bám sát vào phạm vi nghiên cứu. TS. Mạnh nhấn mạnh, trên thực tiễn có nhiều bài học hay có thể xem là một thành công ở Việt Nam trong việc thúc đẩy mua sắm công xanh. Ví dụ, quy định về sử dụng gạch không nung trong các toà nhà là một cách thức để thúc đẩy đầu tư công xanh; một số cơ quan, công sở thúc đẩy sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, hồ sơ công việc điện tử... cũng chính là thúc đẩy đầu tư công xanh;... Tuy nhiên, việc áp dụng mua sắm công xanh vẫn gặp nhiều các thách thức liên quan đến thị trường cung ứng hàng hóa và dịch vụ xanh, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ trong nước, đòi hỏi phải có lộ trình triển khai phù hợp.
Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh cảm ơn các ý kiến, góp ý của các chuyên gia, các vị đại biểu. CIEM ghi nhận và sẽ xem xét, hoàn thiện nghiên cứu để có những tham mưu đóng góp cho Chính phủ. Hội thảo là dịp để CIEM trình bày nghiên cứu, qua đó, nhiều vấn đề đặt ra là gợi mở để CIEM tiếp tục hoàn thiện và tìm tòi những hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới.
Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi kép số và xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)