Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức khảo sát về kinh tế tuần hoàn tại CHLB Đức và Hà Lan
Điều tra khảo sát

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức khảo sát về kinh tế tuần hoàn tại CHLB Đức và Hà Lan

24/10/2022 - 3452 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức đoàn khảo sát “Cách tiếp cận pháp lý và kinh nghiệm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn” tại CHLB Đức và Hà Lan từ ngày 27/9 đến 06/10/2022.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do CIEM là đơn vị trực tiếp tham mưu, nghiên cứu đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022. Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). 

Trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ nhằm sớm tạo động lực cho tăng trưởng, mà còn bởi mô hình này còn có thể đóng góp vào tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong trong xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong việc nghiên cứu các chính sách, cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn là hết sức cần thiết.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và các thành viên đoàn khảo sát làm việc

với Tổ chức Holland Circular Hotspot, Hà Lan

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM và các thành viên đoàn khảo sát làm việc

với Viện nghiên cứu Wuppertal về Khí hậu, Môi trường và Năng lượng

Đoàn khảo sát do TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM làm Trưởng đoàn đã đến trao đổi, làm việc và khảo sát nhiều cơ quan hàng đầu ở CHLB Đức và Hà Lan về phát triển kinh tế tuần hoàn và các vấn đề liên quan như: Bộ Kinh tế và chống biến đổi khí hậu CHLB Đức, Trung tâm Hiệu quả nguồn lực, Cơ quan môi trường quốc gia Đức, Thung lũng Kinh tế tuần hoàn, Viện nghiên cứu Wuppertal về Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Tổ chức Holland Circular Hotspot…

Trong quá trình công tác, đoàn đã trao đổi, thảo luận và tìm hiểu các vấn đề liên quan tới việc xây dựng các chính sách, cơ chế tham mưu cho chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn, chính sách của Liên minh châu Âu cũng như ở cấp quốc gia, cấp bang; việc thực thi các chiến lược, kế hoạch cụ thể; xác định các lĩnh vực trọng tâm của kinh tế tuần hoàn; các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn; các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và một số nội dung liên quan khác.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu - CIEM

 

 


Tin tức khác