Phát triển khu vực kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững sẽ cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết. Tuy nhiên để khu vực này phát triển đúng như kỳ vọng, việc hỗ trợ cần đặt trọng tâm vào tháo gỡ những khó khăn hiện nay, nhất là về thể chế và thực thi hiệu quả chính sách.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trả lời phỏng vấn VnBusiness về Nghị quyết 20-NQ/TW với những trăn trở cùng những kỳ vọng, mong muốn những khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ được giải quyết khi triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Mạnh Lê).
Thưa bà, việc ban hành Nghị quyết 20 có ý nghĩa như thế nào với khu vực kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh hiện nay?
Trước tiên tôi muốn nói rằng, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, cần sự “vươn mình vượt khó” từ tất cả các khu vực kinh tế. Bởi vậy, yêu cầu và thách thức từ xu thế này đối với khu vực kinh tế tập thể lại càng lớn và đặc thù hơn. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết 20 có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nghị quyết đã nhận diện được những khó khăn, yếu kém của khu vực kinh tế tập thể, nhất là HTX. Khó khăn, yếu kém của HTX đã bộc lộ rõ hơn trong giai đoạn dịch COVID-19, đặc biệt là năng lực nội tại với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, khả năng kết nối yếu kém.
Ngay đầu phần Quan điểm, Nghị quyết 20 đã khẳng định “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết nhấn mạnh đến việc giải quyết những khó khăn, yếu kém của các chủ thể kinh tế tập thể, tập trung vào nâng cao năng lực nội tại, tăng khả năng kết nối, phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các HTX. Trong đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Nghị quyết đã đề ra nhiều nhóm chính sách, trong đó có chính sách Khoa học – Công nghệ để hỗ trợ kinh tế tập thể. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học – công nghệ cho các tổ chức kinh tế tập thể trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn; Hỗ trợ các tổ chức tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Hướng đến các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.
Những nội dung trong Nghị quyết 20 được đánh giá là rất tốt cho sự phát triển của kinh tế tập thể. Tuy nhiên để đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống thì các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì để khu vực kinh tế tập thể phát triển đúng như kỳ vọng, thưa bà?
Trước khi trả lời, tôi muốn nhắc lại rằng, trong một số văn bản quy phạm pháp luật, đề án, quyết định của Chính phủ thời gian qua đều có những nội dung chính sách liên quan tới HTX. Chẳng hạn, CIEM đã tham mưu Bộ KH&ĐT trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết 31 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó có một phần quan trọng về kinh tế tập thể, HTX.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưu cho Bộ KH&ĐT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các định hướng phát triển các mô hình kinh tế mới, gần đây nhất là mô hình kinh tế tuần hoàn theo Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tôi xin nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn cũng là một định hướng gắn với ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể.
Như vậy, chúng ta đã có các chính sách tạo không gian cho phát triển kinh tế tập thể, và có thể còn mở rộng hơn trong thời gian tới. Phần thiết kế chính sách đã thực hiện được khá tốt, liền mạch. Điểm quan trọng là phải tạo được thêm động lực thực thi những chính sách này để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tập thể.
Theo tôi, để khu vực kinh tế tập thể phát triển đúng như kỳ vọng, việc hỗ trợ cần đặt trọng tâm vào việc sớm tháo gỡ những khó khăn nội tại hiện nay của khu vực này. Cụ thể:
Khu vực kinh tế tập thể cần được hỗ trợ phát triển nguồn lực, đặc biệt hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với cán bộ quản lý hợp tác xã; Bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê; Ưu đãi về tài chính, đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp với các tổ chức kinh tế tập thể; Hỗ trợ vay vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng vốn ngân hàng của các tổ chức kinh tế tập thể, đồng thời nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư...
Điểm quan trọng là việc hỗ trợ về nguồn lực phải song hành với sự phát triển về kỹ năng sử dụng nguồn lực hiệu quả, và quy định tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn theo mục đích kinh tế-xã hội và nhân văn.
Tôi cho rằng, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng cần được hỗ trợ phát triển kỹ năng tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ chuyển đổi số thực chất hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu để từng bước số hóa quy trình quản lý, điều hành, xây dựng các App phục vụ hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã...
Một nội dung quan trọng nữa là rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật; cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém.
Cũng cần thẳng thắn rằng, ở nhiều nơi việc nhận thức về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn bị xem nhẹ, bà nghĩ sao về điều này?
Như đã khẳng định trước đó, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần có động lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế tập thể. Chính vì vậy, nhóm giải pháp đầu tiên trong Nghị quyết 20 đã tập trung vào bảo đảm nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam không phải là nước duy nhất kiên định với định hướng phát triển kinh tế tập thể. Trên thực tế, nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, HTX là một thực thể tồn tại khách quan, độc lập như các chủ thể kinh tế khác. HTX vẫn phát triển mạnh ở cả những nền kinh tế phát triển như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung.
Chúng ta thấy một quốc gia phát triển như Đức có hẳn một bộ luật về HTX, hay Hà Lan - thị phần xuất khẩu hoa chủ yếu do các HTX đứng ra tập hợp nông dân thành các trang trại quy mô lớn. Đặc biệt, họ có thể đàm phán với Chính phủ về chính sách hỗ trợ, tìm thị trường, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm.
Chúng ta có cơ sở lý luận và kinh nghiệm từ quốc tế về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, đây chỉ là những điều kiện cần, dù có tính nền tảng. Một yêu cầu quan trọng là chúng ta phải sớm “minh chứng” được những điển hình tốt trong xử lý, tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Thậm chí tiến tới tạo động lực cho chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất – kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể theo hướng hiện đại, thân thiện hơn với Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Vì vậy tôi cho rằng, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống cũng như việc thay đổi nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế này thì còn rất nhiều việc phải làm sau khi đã có Nghị quyết 20. Một trong những lĩnh vực trọng tâm là xây dựng văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Quá trình này không thể chỉ dựa vào các bộ, ngành, mà còn cần sự song hành, nỗ lực chủ động của Liên minh HTX Việt Nam, sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành hàng khác và sự nỗ lực từ chính bản thân mỗi HTX.
Xin cảm ơn bà!
Theo Lê Thúy/ Vnbusiness
Tin tức khác
-
Khu thương mại tự do: Từ mô hình thế giới đến kinh nghiệm cho Đà Nẵng
(14/11/2024)
Trình bày tại
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm “Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ”
(08/11/2024)
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
-
Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP) lần thứ tư với chủ đề “Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới”
(01/11/2024)
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
-
Vai trò kiến tạo của phụ nữ trong công cuộc chuyển đổi kép
(20/10/2024)
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng ...
-
Diễn đàn “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”
(17/10/2024)
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
-
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024
(14/10/2024)
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
-
Diễn đàn "Phát triển kinh tế tuần hoàn: Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam"
(12/09/2024)
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
-
Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”
(29/07/2024)
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
-
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(23/07/2024)
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
-
Đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Hà Tĩnh
(19/07/2024)
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...