Hội thảo: Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam
Hoạt động

Hội thảo: Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam

07/09/2022 - 4229 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo: Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam”. Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là “Cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế” với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM

Hội thảo nhằm chia sẻ những ý kiến, góc nhìn quý báu về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế trong suốt những năm vừa qua, ưu tiên cải cách hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn đến năm 2025 và tiếp thu, lĩnh hội những đóng góp từ các chuyên gia kinh tế để CIEM tập trung nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ, cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới.

Thay mặt nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực – CIEM trình bày báo cáo. Theo đó, hiện nay chưa có định nghĩa đầy đủ về cụm liên kết ngành (CLKN), do đó cách hiểu, nhận thức về CLKN chưa thống nhất, đối tượng quản lý chưa rõ ràng. Còn thiếu một số các quy định dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển cụm liên kết ngành.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực – CIEM

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong từng nhóm chính sách như: nhóm chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa khu vực FDI và nội địa. Các chính sách thu hút FDI mới tập trung vào số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng, cũng như tính lan tỏa, liên kết của các doanh nghiệp FDI đối với hoạt động sản xuất trong nước; nhóm chính sách về hội nhập và thương mại quốc tế: quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hội nhập trong các lĩnh vực khác, trong khi sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia; nhóm chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ: các quy định hiện hành của pháp luật chưa được thực thi hiệu quả để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành (như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu…) dẫn đến chồng chéo trong tổ chức thực hiện, còn gặp vướng mắc…

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành, cần tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết ngành trong cơ cấu ngành kinh tế; lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, có giải pháp về thị trường, vốn và thu hút đầu tư cho phát triển cụm liên kết ngành. Đồng thời, cần xây dựng bản đồ chi tiết về các ngành, liên kết ngành, trong đó xác định điểm mạnh, điểm yếu từng ngành. Việc hình thành cụm liên kết phải theo vị trí địa lý, bảo đảm tính liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và có đánh giá về hệ sinh thái hỗ trợ…

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi