Tạo "sức sống" cho kinh tế tuần hoàn
Tin tức sự kiện hoạt động của Viện

Tạo "sức sống" cho kinh tế tuần hoàn

15/06/2022 - 6321 lượt xem

 

TS. Trần Thị Hồng Minh,

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

  Công ty Cổ phần khu công nghiệp Đình Vũ thuộc Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C và Khu công nghiệp

Nam Cầu Kiền đang triển khai thí điểm xây dựng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Minh Thu- TTXVN

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022. Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). 

Để tìm hiểu rõ hơn về các nội dung của Đề án, TTXVN giới thiệu bài viết của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị trực tiếp tham mưu, nghiên cứu Đề án.
Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới đang quan tâm hơn đến với mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Dù được định nghĩa khác nhau, cách tiếp cận đối với KTTH đều thể hiện sự khác biệt hoàn toàn với nền kinh tế tuyến tính truyền thống, là nền kinh tế biến tài nguyên thành chất thải, nguyên nhân dẫn tới khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên như hiện nay.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, các quốc gia cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam, ngay từ năm 2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản, và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về KTTH.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Viện đã báo cáo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng ở một thời điểm rất quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Việt Nam phải cân nhắc những định hướng, yêu cầu chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững hơn. Cam kết đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 chính là một nền tảng bước đầu.

Việt Nam cũng phải xử lý thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng bằng các định hướng thích ứng theo hướng tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế; trong đó có việc sử dụng các nguyên liệu, đầu vào hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau những khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế trong các năm 2020-2021 cũng đòi hỏi phải chủ động thúc đẩy các mô hình kinh tế mới nhằm tạo thêm không gian phát triển cho doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ về "Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường".
Sau một quá trình nghiên cứu, tham vấn công phu, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, phát triển KTTH phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, các nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài.

Phát triển KTTH cũng đòi hỏi phải có các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình KTTH theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; tránh áp dụng rập khuôn, đồng nhất KTTH cho toàn bộ nền kinh tế.
Việc thực hiện phát triển KTTH ở Việt Nam phải hướng tới tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đồng thời hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Quyết định số 687/QĐ-TTg mới chỉ là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển KTTH ở Việt Nam. Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, có tính "dài hơi" mà các bộ, ngành cần phải thực hiện đồng bộ; trong đó có: Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển KTTH; Tăng cường đối thoại công – tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH; Hài hòa hóa các tiêu chuẩn đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ mô hình KTTH; Trao đổi, phối hợp với các đối tác nhằm tạo thuận lợi thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình KTTH.
Tuy nhiên, để tạo "sức sống" cho các chính sách phát triển KTTH thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy "phục hồi xanh". Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH; trong đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển KTTH./.

 

Nguồn: bnews.vn

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi