Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022
Góc nhìn chuyên gia

Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022

06/01/2022 - 8915 lượt xem

TS.Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Kinh tế đã bước đầu vượt khó…

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có một số kết quả khá tích cực. Việc giữ được đà tăng trưởng dương ở mức 2,58% trong năm 2021 là rất quan trọng khi mà chúng ta mới chỉ chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021. Chính bước chuyển ấy đã góp phần “then chốt”, giúp tăng trưởng GDP đảo chiều từ mức -6,02% trong quý III/2021 sang 5,22% trong quý IV/2021 (so với cùng kỳ 2020). Hoạt động thương mại của Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tới 19% trong năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 (6,9%). Nhập khẩu cũng tăng trưởng tới 26,5% trong năm 2021, trong đó có nhiều đầu vào quan trọng cho sản xuất như máy móc thiết bị phụ tùng, v.v. Thặng dư thương mại đạt khoảng 4 tỷ USD trong năm.

Một điểm sáng nữa chính là việc kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới, giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là nhiều đầu vào như xăng dầu, v.v. đã tăng khá mạnh. Ước tính của Economist Intelligence Unit đến 15/12/2021 cho thấy giá dầu tăng tới 66,4% so với năm 2020. Bản thân chỉ số USD Index cũng tăng tới 6,78% (tại thời điểm cuối năm 2021 so với cuối năm 2020). Trong bối cảnh đó, việc duy trì lạm phát ổn định ở mức 1,84%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (dưới 4%), đã giúp giảm bớt khó khăn cho đời sống của người dân, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành lãi suất hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn ở góc độ sản xuất, các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cùng công nghiệp chế biến, chế tạo đã có những đóng góp rất quan trọng trong năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Trong khi đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm. 

Dấu ấn điều hành rõ nét của Chính phủ

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, đặc biệt là từ quý III/2021, trên cơ sở đánh giá thận trọng, khoa học, có tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã mạnh dạn điều chỉnh cách tiếp cận theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, hướng tới thực hiện lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế.

Một điểm nhấn rõ nét là Chính phủ đã tích cực, quyết liệt, linh hoạt trong công tác ngoại giao vắc-xin, qua đó bảo đảm tiếp cận vắc-xin cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất-kinh doanh, mở cửa trở lại nền kinh tế. Quan trọng hơn, công tác ngoại giao vắc-xin cũng đã phát huy sức mạnh tập thể của nhiều thành phần trong nền kinh tế. Chẳng hạn, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tích cực trao đổi với chính phủ nước họ để tăng tiếng nói hỗ trợ công tác “ngoại giao vắc-xin” trong năm 2021; đó chính là minh chứng rõ nét cho sự gắn bó hữu cơ của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tích cực xây dựng, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia về định hướng, trọng tâm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Song song với những định hướng trên, Chính phủ vẫn dành ưu tiên thích đáng cho việc tạo dựng không gian cho hoạt động kinh tế trong trung và dài hạn, thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, đẩy nhanh xây dựng khung chính sách cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tư duy về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững…

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Triển vọng kinh tế 2022

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:

Thứ nhất, khả năng kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù tiến độ tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng được đẩy mạnh, nhưng nguy cơ bùng phát vẫn hiện hữu. Cần lưu ý, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kể cả ở những quốc gia đã làm chủ công nghệ vắc-xin, tham gia chuỗi cung ứng vắc-xin hay có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao (như Mỹ, Ấn Độ, Anh, v.v.).  

Thứ hai, khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới. Nếu xử lý hiệu quả những rủi ro liên quan đến các biện pháp hạn chế thương mại ở các thị trường xuất khẩu, thực hiện FTA hiệu quả, v.v., Việt Nam có thể có thêm động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Chẳng hạn, nếu quyết tâm mở cửa đường bay quốc tế có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các đối tác thì chúng ta có thể tạo thêm cơ hội cho nền kinh tế cùng “chung nhịp đập” phục hồi với kinh tế thế giới và khu vực.

Thứ ba, khả năng xử lý rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô do diễn biến giá cả, rủi ro thị trường tài chính thế giới. Cần lưu ý, FED đã ra tín hiệu có thể điều chỉnh tăng lãi suất tới 03 lần trong năm 2022, cho thấy quyết tâm xử lý rủi ro lạm phát. Điều đó có ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, đồng USD, giá cả hàng hóa thế giới như thế nào thì chúng ta cần theo dõi sát sao và có kịch bản ứng phó hiệu quả.

Ở trong nước, Việt Nam cũng cần phải tháo gỡ hiệu quả một số vấn đề cố hữu trong những năm qua. Vấn đề cấp thiết nhất là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Từ thực tiễn những năm qua, giải ngân đầu tư công nhanh và hiệu quả hơn đòi hỏi các cơ quan Bộ, ngành và địa phương cần phát huy sự chủ động, khơi thông trách nhiệm, và lưu tâm đúng mức đến thúc đẩy tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công.

Một vấn đề khác là khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất. Nếu vốn tín dụng được điều tiết tốt hơn vào các lĩnh vực sản xuất, tác động đối với GDP có thể sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, nếu gắn phục hồi sản xuất với thu hút và hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ giảm đáng kể. Chẳng hạn, xử lý hiệu quả vấn đề gián đoạn nguồn cung lao động sẽ giúp giảm chi phí và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn với hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Một số kiến nghị chính sách

Một là, kiên định với định hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin.

Hai là, sớm thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.

Ba là, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, khai thác các FTA, đặc biệt là RCEP.

Năm là, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, v.v.) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước, gắn với định hướng và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế./.

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi