14/12/2021 - 4341 lượt xem
Nới room ngoại tại Ngân hàng Thương mại (NHTM) là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với yêu cầu quản lý nhà nước.
Cùng với đà cải cách và hội nhập kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng không làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2021, vốn đăng ký cấp mới đạt 14,06 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký tăng thêm ở 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đạt 8,02 tỷ USD, tăng 26,7%.
Một số chuyên gia cho rằng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khó có hiệu quả nếu các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng của Việt Nam không cải thiện năng lực quản trị và năng lực cung ứng (về cả chất và lượng). Yêu cầu càng cấp thiết hơn đối với khu vực dịch vụ hiện đại, có hàm lượng giá trị gia tăng cao như ngân hàng.
Dù nhận thức yêu cầu trên, một nhu cầu lớn của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) là tăng vốn để thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Nhiều NHTM đã lên phương án phát hành cổ phiếu, giao dịch trên sàn chứng khoán. Không ít NHTM đã nâng tỷ lệ vốn bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Một số NHTM cổ phần đã và đang tìm kiếm tốt cơ hội tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài như: Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Quốc tế, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Kỹ thương, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng…
Ảnh minh họa
Một số ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán tìm cổ đông chiến lược. Ước tính hơn một nửa số NHTM đang hoạt động có cổ đông chiến lược. Những NHTM này đều có cải thiện đáng kể về chất lượng quản trị, tính minh bạch trong hoạt động, sức cạnh tranh…
Nhiều NHTM biết việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược là không dễ, khi đã tìm rồi lại vướng quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Ngoài ra còn có các giới hạn cụ thể đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan.
Dù vậy, không phải đến bây giờ vấn đề nới room cổ phần tại NHTM cho nhà đầu tư nước ngoài mới được đặt ra. Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, nhưng kèm theo điều kiện “phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết”.
Trong các điều ước đã ký kết, Việt Nam chưa cam kết tăng giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn mức 30%. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), “nội dung mở nhất trong EVFTA cũng chỉ là Việt Nam sẽ cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc cho phép nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ của hai NHTM của Việt Nam (trừ BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank) trong vòng 05 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về đề xuất như vậy từ phía các định chế tài chính của EU”.
Được biết, CIEM đang thực hiện Báo cáo về “Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cố phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng”, dự kiến sẽ công bố vào trung tuần tháng 12/2021. Báo cáo đã đặt lại vấn đề nới room cổ phần tại NHTM cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời nhìn nhận những lợi ích trực tiếp có thể có khi nới room ngoại. Cụ thể, tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II; thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược; chuyển giao kỹ năng quản trị,...
Trong buổi làm việc vào tháng 11/2021 với CIEM, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng để tạo điều kiện cho NHTM tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì cần hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán.
Quan điểm của ông Hùng là việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với yêu cầu quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các NHTM đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.
Cùng chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh việc nới room cổ phần tại NHTM cho nhà đầu tư nước ngoài có thể theo hướng mở, nhưng tính đến đầy đủ tác động đối với cạnh tranh trên thị trường ngân hàng, năng lực cạnh tranh của các NHTM (về năng lực quản trị, sản phẩm, đáp ứng thông lệ quốc tế, sáng tạo tài chính,…), hội nhập tài chính và vươn ra quốc tế, và khả năng ứng xử hiệu quả, an toàn trước các cú sốc đối với cán cân thanh toán.
Nguồn: Ban Nghiên cứu tổng hợp
Ngày 1/4/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Trưởng Ban Chính sách, chiến lược ...
Chiều ngày 19/03/2025, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã có buổi làm việc với TS. Trương Minh ...
Sáng ngày 7/3/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức gặp mặt để chúc mừng nữ viên chức, người lao động ...
Sáng ngày 03/03/2025, tại trụ sở Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của ...
Sáng ngày 28/02/2025, Lãnh đạo Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh ...
Ngày 19 tháng 02 năm 2025 tại Thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ...
Sáng ngày 17/01/2025, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện nhân dịp đón ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp ...
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện qua các kỳ đại hội (VIII, X, XI, XII và XIII), với định hướng được xác định rõ ...