Hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới”

08/12/2021 - 3541 lượt xem

Là cơ quan đầu mối theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 theo Quyết định số 183/QĐ-BKHĐT ngày 22/02/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 08/12/2021, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Tình hình triển khai và các giải pháp trong thời gian tới” và lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.

Hội thảo do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, đại diện của một số Bộ, ngành.... và đơn vị báo, truyền hình. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương đánh giá Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là một vấn đề rất mới và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng văn bản tầm chiến lược quốc gia. Chiến lược này sẽ không thể thành công nếu như không có sự tham gia của tất cả các bên, để thực hiện chiến lược một cách hiệu quả và đem lại những lợi ích, công nghệ, bước tiến, tư duy đổi mới sáng tạo tốt nhất để đóng góp vào thành công của các doanh nghiệp, các cơ quản lý nhà nước để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững

 Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo

Mở đầu cho các báo cáo tại Hội thảo, Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội - CIEM trình bày báo cáo “Khái lược tình hình triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Báo cáo cho thấy sau 1 năm triển khai Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức quán triệt và phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược tới các đơn vị, doanh nghiệp ở Bộ, ngành và địa phương. Một số điểm sáng trong triển khai thực hiện Chiến lược có thể kể tới như: Các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; Ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống Quản lý văn bản được triển khai đồng bộ cho các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh và đã được kết nối gửi nhận liên thông văn bản Quốc gia; Công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực bước đầu có sự đổi mới; nội dung, chương trình đào tạo đã tiếp cận với nội dung cuộc CMCN 4.0; Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã thành lập khoa Kinh tế số, nhằm đào tạo bậc cử nhân đầu tiên về kinh tế số ở nước ta; Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo từng bước được xây dựng và phát triển. Đến nay cả nước có hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườn ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh; Lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến rất mạnh mẽ. Ngân hàng nhà nước đã chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động quản lý, kinh doanh ngành ngân hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống; Chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức như:

- Việc ban hành các văn bản pháp lý, đề án, chương trình triển khai luật còn chậm, thiếu hướng dẫn, dẫn đến khó khăn cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

- Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Một số kiến nghị, đề xuất:

- Cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển CMCN 4.0, đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với xu hướng phát triển của CMCN 4.0.

- Phát triển nguồn nhân lực cho CMCN 4.0. Tăng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao.

Trình bày báo cáo “Cơ hội và thách thức triển khai Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tại Hội thảo,  TS. Trịnh Minh Tâm đánh giá:

- Về cơ hội: Cơ hội rút ngắn thời gian và thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế số; cơ hội phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân.

- Về thách thức, khó khăn: Mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thấp; thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập; cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ, hiệu quả.

Tiếp nối báo cáo, TS. Đào Đình Khả, Giám đốc Phòng nghiên cứu Fintech trình bày “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: ứng dụng công nghệ thông qua chuyển đổi thông minh”, báo cáo cho thấy chuyển đổi số mang đến những lợi thế mà các ứng dụng CNTT riêng lẻ trước đây không giải quyết được thấu đáo. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở một sản phẩm hay quy trình nghiệp vụ. Chuyển đổi số còn thay đổi căn bản cách vận hành, văn hóa doanh nghiệp. Chuyển đổi số là dùng công nghệ số thay đổi toàn diện một doanh nghiệp với mục tiêu rõ ràng là tối đa hóa - hoặc thậm chí đổi mới - những gì công nghệ đó có thể làm cho công ty. Khi nhận thức được sự khác biệt của số hóa, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ hiểu được cần chuẩn bị để triển khai các hoạt động này theo cách khác nhau.

Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp về các vấn đề liên quan và giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Chính sách công Amazon Web Services, Chính phủ Việt nam cần xem xét lại Điều 26.3 của Luật An ninh mạng 2018, thay vì đưa ra những hạn chế việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới, cụ thể là xem xét xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp và khuyến khích các mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số để tạo điều kiện thuân lợi cho việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới an toàn và bảo mật. Theo Bà Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Qualcomm Việt Nam, Chính phủ cần có sự hỗ trợ cho các công ty công nghệ quốc tế để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển tại thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hạ - Tổng Giám đốc Hahalolo, nhấn mạnh “cần có cơ quan tham vấn cho các doanh nghiệp phát triển xuyên biên giới”.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM ghi nhận các ý kiến đóng góp rất quan trọng của các chuyên gia và nhấn mạnh Hội thảo giúp nhận diện các vấn đề, mang đến tầm nhìn tổng thể để hỗ trợ nhóm nghiên cứu trong công tác tham mưu, tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư những kế hoạch, chủ trương đúng đắn trong thời gian sắp tới khi thực hiện các nội dung liên quan đến Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

 

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 

 

 


Tin tức khác