Hội thảo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”

19/10/2021 - 2240 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), sáng ngày 19/10/2021 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Hội thảo do ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, với sự tham dự của các tổ chức quốc tế, một số chuyên gia kinh tế, đại biểu của một số Bộ, ngành... và đơn vị báo, truyền hình. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong môi trường kinh tế. Trong hơn 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh, số lượng doanh nghiệp phát triển vượt bậc, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 40% GDP và là nguồn sử dụng đại đa số lao động ở Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa năng lực của khu vực KTTN trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Hoa Cương, chủ trì Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp - CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn mới”. Qua nghiên cứu cho thấy, số lượng các chủ thể kinh tế tư nhân tăng mạnh từ 1,45 DN (2015) lên hơn 2 DN (2020). Quy mô khu vực kinh tế tư nhân cải thiện đáng kể: năm 2011 quy mô vốn SXKD của DNTN tăng mạnh từ gần gấp 3.5 lần so với năm 2019; quy mô giá trị TSCĐ và đầu tư tài chính dài hạn tăng từ 2.424,3 nghìn tỷ đồng (2011) lên 8.420,9 nghìn tỷ đồng (2019).

Về năng suất lao động của DNTN tăng từ 121,4 triệu đồng/lao động (2011) lên 228,4 triệu đồng/lao động (20170, gần gấp 1,9 lần.

Về năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhiều DN được cải thiện. Một số TĐKT, DN lớn đã đầu tư mạnh vào các hoạt động R&D. DNTN chiếm khoảng 27% tổng kinh phí cho các hoạt động R&D và 19% cho hoạt động cải tiến công nghệ (2017). Chỉ số ĐMST của Việt Nam liên tiếp tăng hạng, từ vị trí 76/141 (2012) lên 59/128 (2016), 42/131 (2020) và 44/132 (2021); cải thiện thứ hạng đầu vào của ĐMST, từ hạng 65 (2018) lên thứ 60 (2021) và thứ hạng đầu ra của ĐMST, từ 41 (2018) lên 38 (2020, 2021).

Về đóng góp phát triển kinh tế xã hội, đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh qua các năm, từ 356.049 tỷ đồng (2011) lên 972.230 tỷ đồng (2020), gấp 2,73 lần. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động: Năm 2019, KTTN tạo việc làm cho hơn 18,1 triệu người, chiếm 33,16% số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc và gần 71% lao động trong DN và hộ kinh doanh; Tính riêng DN, số lao động trong DNTN tăng mạnh, từ 6.680,6 nghìn lao động (2011) lên 9.075,3 nghìn lao động (2019), chiếm 60-62% tổng lao động trong toàn bộ khu vực DN; thu nhập của người lao động cải thiện đáng kể, từ 3.857 nghìn (2011) lên 8.312 nghìn (2019).

Về năng lực chống chịu, nhiều DN và hộ kinh doanh chủ động điều chỉnh hoạt động, thay đổi cơ cấu sản phẩm, mô hình kinh doanh, tiếp cận khách hàng, đặc biệt áp dụng công nghệ. Nhiều DN tận dụng cơ hội tập trung vào thị trường nội địa, mở rộng kênh phân phối tiếp cận khách hàng trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt, nghiên cứu cho thấy năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu; hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Thực tế, những yếu kém là hạn chế và là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Đồng thời vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra.

Bà Luyến đề xuất: mặc dù khu vực KTTN đã có những cải thiện tích cực, tuy nhiên để nâng cao năng lực của khu vực KTTN, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. Đối với bản thân các chủ thể khu vực kinh tế tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh…

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo đều đồng nhất quan điểm, mặc dù kinh tế tư nhân của Việt Nam đang từng bước trưởng thành và ghi đậm dấu ấn trên trường thế giới, song vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này đã dẫn đến hiện tượng, các doanh nghiệp “nội” đang thua ngay chính sân nhà. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ cần phải có công bằng, không phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI.

Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ rất hữu ích từ các chuyên gia, qua đó nhóm nghiên cứu có cơ sở tư vấn giúp Chính phủ đề ra các giải pháp nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới và giúp cho khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 


Tin tức khác