Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ II – năm 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới
Hội thảo

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ II – năm 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới

19/06/2020 - 874 lượt xem

  Đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều điểm sáng, trở thành lựa chọn mới, đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Với mục tiêu theo sát các diễn biến của thị trường bất động sản công nghiệp, tìm kiếm các giải pháp để thị trường phát triển đúng tiềm năng; giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các thông tin quy hoạch quỹ đất tại địa phương và các chính sách ưu đãi đầu tư, tiếp nối thành công của sự kiện lần thứ nhất (năm 2019), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí Thương gia tổ chức Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ II – 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới ngày 19/6/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế – 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

            Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đại diện các địa phương đang có quỹ đất cần thu hút đầu tư, các chủ đầu tư của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên toàn quốc và các cơ quan thông tấn báo chí.

            Phát biểu đề dẫn Diễn đàn với tiêu đề “Bất động sản công nghiệp Việt Nam – Thời cơ vàng trong vận hội mới”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh Diễn đàn được tổ chức tại một thời điểm quan trọng, khi đất nước đã đạt được những thành tựu rất vững chắc trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và đang tích cực xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Ngay tại thời điểm này, dù không ít quốc gia đã thảo luận công khai về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, diễn biến dịch ở bình diện toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Những diễn biến này đã tác động không nhỏ đến chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, qua đó tác động đến quá trình dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài, khiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch Covid-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ, mở ra cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng và yêu cầu quan trọng là phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, phát triển hạ tầng khu công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp.

Ảnh 1: TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn

             Đại dịch Covid-19 không làm thay đổi yêu cầu trên, cơ hội vàng từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm, và hiệu quả hơn. Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có chỉ ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Diễn đàn phải thảo luận, cụ thể hóa yêu cầu này gắn với bối cảnh COVID-19. Trong đó, một số nội dung cần đặc biệt quan tâm là: (i) phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp, là nơi thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn; (ii) các khu công nghiệp phải vượt qua hình ảnh truyền thống về một địa điểm sản xuất tập trung, trở thành một nơi để người lao động gắn bó, yên tâm phát triển, cống hiến, và thụ hưởng thành quả lao động; (iii) các khu công nghiệp cũng phải giúp cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

            Tiếp theo đó, trước khi đi vào các phiên thảo luận, Diễn đàn có bài phát biểu của ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tiêu đề “Khu công nghiệp Việt Nam: Quy hoạch và tầm nhìn cho định hướng phát triển khu công nghiệp của Nhà nước, giai đoạn 2021 - 2030”. Theo ông Trung, cho đến cuối tháng 5/2020, nước ta có 374 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) bao gồm cả các KCN trong khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích hơn 114,4 nghìn ha; 280 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 77,1 nghìn ha. Về định hướng phát triển KCN, ông Trung cho biết: phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo tính bền vững, phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường v.v.

Ảnh 2: Một phiên thảo luận tại Diễn đàn

            Ba phiên thảo luận lần lượt với chủ đề “Khu công nghiệp thế hệ mới – Mô hình tất yếu cho bất động sản công nghiệp Việt Nam”, “Chủ động trước “cơ hôi vàng” thu hút vốn FDI” và “Giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp” đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều diễn giả như: ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc ASEAN, Trưởng đại diện Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; bà Lê Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam; ông Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia v.v. Tại phiên thảo luận, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, thời điểm hiện tại là cơ hội vàng để đón nhận sự chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, dòng chuyển dịch này không đương nhiên đến với Việt Nam mà còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của quốc gia và từng địa phương. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng, được các nhà đầu tư đánh giá cao, có lợi thể lớn để thực hiện chính sách thu hút FDI “thế hệ mới”. Theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Để làm được việc đó, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, hiệu quả để có thể tiếp nhận các dòng vốn đầu tư chất lượng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

            Diễn đàn đã kết thúc tốt đẹp, là nơi trao đổi, kết nối thông tin và đưa ra các giải pháp giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội vàng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam; đồng hành cùng nhiều tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho thị trường, góp phần đưa kinh tế Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. 

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Thông tin - Tư liệu.

Tham khảo tài liệu tại Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi