20/01/2021 - 1219 lượt xem
Trong khuôn khổ của Chương trình Ôxtrâylia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), sáng ngày 20 tháng 1 năm 2021, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.
Hội thảo dưới sự chủ trì của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, khối cơ quan Trung ương cùng nhiều đơn vị báo, đài truyền hình…
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực do đại dịch COVID-19. Trong đó, những cụm từ như “gián đoạn” hay “đứt gãy” chuỗi cung ứng được nhắc đến thường xuyên, và thực tế đã có những thời điểm gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đặt trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định xuất khẩu vẫn là một cấu phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam đã có những kết quả quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), và mới nhất là ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020. Sau một thời gian nghiên cứu, tham vấn, đặc biệt với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện đã hoàn thành báo cáo và đưa ra góc nhìn mới, toàn diện hơn về hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam với khu vực RCEP và một số yêu cầu thể chế để thực thi hiệu quả RCEP gắn với cải thiện mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Aedan Puleston, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp đã trình bày tóm tắt báo cáo. Ông Dương cho biết: Báo cáo này tiến hành (i) đánh giá hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam với các đối tác trong khu vực RCEP (bao gồm cả quy mô và chất lượng); (ii) xác định những vấn đề thể chế và cơ cấu đối với hoạt động thương mại và đầu tư có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội và xử lý thách thức từ RCEP, và từ đó (iii) đề xuất các kiến nghị cải cách thể chế trong trung và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả thực thi RCEP gắn với tăng cường mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp
Đối với hoạt động thương mại của Việt Nam, RCEP có thể mang lại một số cơ hội và cả thách thức. Bao phủ vùng lãnh thổ với 30% dân số toàn cầu, hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Các nghiên cứu định lượng thực hiện cho đến nay đều cho thấy RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Nhóm tác giả nhìn nhận tác động đối với cải cách thể chế cũng hiện hữu, chủ yếu theo hướng tăng cường thêm động lực cho Việt Nam thực hiện các cải cách đã được xác định gắn với các cam kết trong CPTPP và EVFTA. Dù vậy, thách thức khi thực thi RCEP nằm ở khả năng tận dụng ưu đãi trong Hiệp định này, khả năng duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu, và gia tăng nhập siêu.
Đối với đầu tư nước ngoài, RCEP cũng có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, bởi: (i) nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn; (ii) sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi; (iii) kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp; và (iv) khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam. Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, song vẫn có thể xử lý được. Dù vậy, xử lý thách thức về thể chế phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận của Việt Nam, và khó có thể hiệu quả nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP.Báo cáo đưa ra cách tiếp cận để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.
Việc thực hiện hiệu quả RCEP gắn với 05 nhóm giải pháp chính: (i) tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất; (ii) đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, gắn sâu xa hơn về một tư duy định hướng, khả thi về một số (ít) ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP, và mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực RCEP; (iii) hoàn thiện chính sách thương mại, nhất quán với chính sách đầu tư, qua đó góp phần xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và nhập khẩu hàng trung gian, đồng thời phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị khu vực RCEP; (iv) xử lý các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là (v) phòng chống hiệu quả đại dịch COVID-19.
Báo cáo cũng nhấn mạnh phải thực hiện cải cách ngay, thay vì chờ đến khi hết đại dịch COVID-19.Để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, yếu tố cải cách càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, hài hòa hóa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA như CPTPP và EVFTA có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, do CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao hơn và đã đi vào thực hiện, quá trình cải cách ở các lĩnh vực liên quan cần hướng tới các tiêu chuẩn trong Hiệp định này một cách nghiêm túc, thay vì “chờ đợi” đến khi có RCEP.
Bên cạnh đó, việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP cũng đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Ở một chừng mực quan trọng, Việt Nam và các nước ASEAN có vai trò trung tâm trong việc hình thành ý tưởng và quá trình đàm phán Hiệp định này, thì phần thực thi cũng phải giữ được vai trò trung tâm. Theo đó, các nước ASEAN phải gia tăng hợp tác hiệu quả, thay vì cạnh tranh với nhau theo hướng “đua xuống đáy”. Các lĩnh vực cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách liên quan đến thương mại và đầu tư (như môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị, v.v.) và những nội dung khác cần tiếp tục thỏa thuận và hoàn thiện sau khi RCEP đi vào thực thi. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để các nước đối tác tôn trọng và cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia cùng với đại biểu đều cho rằng đây là một báo cáo đặc biệt, có tính khoa học và là báo cáo có những dữ liệu, chỉ số lần đầu được tổng hợp vô cùng ý nghĩa về thương mại điện tử, cạnh tranh thương mại không chỉ trong các nước khu vực RCEP mà còn cả với các nước ngoài RCEP như Mỹ, EU…Từ đó, đưa ra những kiến nghị cụ thể như doanh nghiệp cần phải làm gì? nhà nước cần phải làm gì? để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam một cách hiệu quả nhất, chất lượng nhất.
Báo cáo cũng cho thấy RCEP không phải là FTA duy nhất hay là FTA cuối cùng mà Việt Nam có với các đối tác. Vì vậy, việc thực hiện RCEP cần đặt trong một cân nhắc tổng thể và toàn diện hơn về việc tham gia và đóng góp vào chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh mới./.
Toàn cảnh Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh kết luận: Báo cáo đã cho thấy một bức tranh khá chi tiết, khái quát hóa được những lợi thế và bất lợi có thể xảy ra với nền kinh tế khi thực hiện Hiệp định RCEP, đặc biệt có sự so sánh với các Hiệp định lớn khác cho dù Hiệp định chưa có hiệu lực ở thời điểm hiện tại. Trong thời gian tới, CIEM sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực thi Hiệp định để có thể tiếp tục thể chế hóa các chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện RCEP.
Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu
Trình bày tại
Thực hiện Kế hoạch hoạt động thông tin khoa học năm 2024, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong cán bộ, viên chức, người lao động, đặc biệt là đối với đoàn ...
Sáng ngày 01/11/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp ...
Chuyển đổi kép số và xanh vừa là xu thế, vừa là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh ...
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn ...
Sáng ngày10/10/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Lễ công bố và trao quyết định tuyển dụng viên chức năm 2024. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện ...
Ngày 12 tháng 9 năm 2024 tại Thành phố Hải Phòng, trong khuôn khổ Dự án toàn cầu “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm bảo vệ khí hậu và ...
Ngày 26/7/2024, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Đại sứ quán ...
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết của ...
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Lãnh đạo, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ...
(08/11/2024)
(01/11/2024)
(20/10/2024)
(17/10/2024)
(14/10/2024)
(12/09/2024)
(29/07/2024)
(23/07/2024)
(19/07/2024)